Hợp đồng lao động

Đăng: 09:05 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

 

1. Các loại hợp đồng lao động (HĐLĐ)

+ HĐLĐ không xác định thời hạn.

+ HĐLĐ xác định htời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

+ HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi HĐLĐ xác định thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động (NLĐ) vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký HĐLĐ mới.

Nếu không ký kết HĐLĐ mới, hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.

Nếu ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm  một thời hạn, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.

2. NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp:

+ Đối với loại HĐLĐ không xác định thời hạn, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ bất cứ khi nào, không cần nêu lý do.

+ Đối với loại HĐLĐ khác, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi:

- Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng.

- NSDLĐ không trả công đầy đủ và đúng thời hạn theo hợp đồng. NSDLĐ ngược đãi, cưỡng bức lao động.

- NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 3 tháng liền đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đén 36 tháng và 1/4 thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được phục hồi.

- Khi bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

- Khi NLĐ nữ có thai phải nghỉ việc theo yêu cầu của thầy thuốc.

- Khi NLĐ được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy Nhà nước.

+ Khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tuỳ từng trường hợp, NLĐ phải báo cáo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày, 30 ngày, 3 ngày hoặc theo thời hạn do thầy thuốc chỉ định đối với lao động nữ trong thời kỳ mang thai.

3. Khi chấm dứt hợp pháp HĐLĐ, NLĐ được hưởng các quyền lợi sau:

+ Được nhận sổ lao động. Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định.

+ Được trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng phụ cấp lương (nếu có).

+ Được thanh toán các quyền lợi doanh nghiệp còn nợ và các quyền lợi vật chất khác quy định tại thoả ước lao động tập thể.

4. Hậu quả pháp lý đối với NLĐ khi đơn phương chấm dứt bất hợp pháp HĐLĐ

+ Không được hưởng trợ cấp thôi việc.

+ Phải bồi thường phí tổn đào tạo (nếu có) cho NSDLĐ khi đang trong quá trình đào tạo hoặc đào tạo xong, nhưng chưa làm việc đủ thời gian đã thoả thuận.

+ Nếu vi phạm thời hạn báo trước, phải bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

+ Phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

+ Được hưởng các quyền lợi về BHXH như trường hợp chấm dứt hợp pháp HĐLĐ.

5. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong các trường hợp:

+ NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;

+ NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải;

+ NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn bị ốm đau, thương tật đã điều trị 12 tháng liền, NLĐ làm theo HĐLĐ  xác định thời hạn đã điều trị 6 tháng liền, NLĐ làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn HĐLĐ mà khả năng LĐ chưa thể hồi phục.

+ Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những nguyên nhân bất khả kháng khác mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục.

+ Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

+ Khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải tuân thủ 2 điều kiện:

- Xin ý kiến tổ chức Công đoàn, trừ trường hợp do thiên tai, hoả hoạn hoặc do những lý do bất khả kháng và do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

- Báo trước cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày đối với HĐLĐ theo mùa vụ, theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

6. Hậu quả pháp lý đối với NSDLĐ khi đơn phương chấm  dứt bất hợp pháp HĐLĐ

+ Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký.

+ Phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

+ Nếu vi phạm thời hạn báo trước, phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của họ trong những ngày không báo trước.

+ Phải trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp NLĐ không muốn trở lại làm việc.

+ Trường hợp không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc và được NLĐ đồng ý, thì ngoài nghĩa vụ trợ cấp thôi việc cho NLĐ, bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có), còn phải bồi thường thêm cho NLĐ một khoản tiền do hai bên thoả thuận.