Một số điều cần biết về pháp luật lao động.

Đăng: 09:03 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

Câu 1: Có mấy loại hợp đồng lao động (HĐLĐ)?
 

Trả lời: Khi người lao động làm việc cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã (với người lao động không phải là xã viên), cá nhân và hộ gia đình có thuê lao động… thì được giao kết Hợp đồng lao động theo một trong những loại sau:

* HĐLĐ không xác định thời hạn: là loại hợp đồng không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
* HĐLĐ xác định thời hạn: là loại hợp đồng xác định trước thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 đến 36 tháng.
* HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi HĐLĐ xác định thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới.

* Nếu không ký kết HĐLĐ mới, hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
* Nếu ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một thời hạn, sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.

Câu 2: Người lao động được hưởng các quyền lợi gì khi chấm dứt HĐLĐ hợp pháp; và trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ không hợp pháp?

Trả lời:

Khi chấm dứt hợp pháp HĐLĐ, người lao động được hưởng các quyền lợi sau:

* Được nhận sổ lao động;
* Được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định;
* Được trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có);
* Người lao động được thanh toán các quyền lợi doanh nghiệp còn nợ và các quyền lợi vật chất khác quy định tại Thoả ước lao động tập thể.

Hậu quả pháp lý đối với NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng pháp luật:

* Không được hưởng trợ cấp thôi việc.
* Phải bồi thường phí tổn đào tạo (nếu có) cho người sử dụng lao động khi đang trong quá trình đào tạo hoặc đào tạo xong, nhưng chưa làm việc đủ thời gian đã thoả thuận.
* Nếu vi phạm thời hạn báo trước, phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.
* Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
* Được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội như trường hợp chấm dứt hợp pháp HĐLĐ.

Câu 3: Các nguyên tắc và hình thức trả lương cho người lao động được pháp luật lao động quy định như thế nào?

Trả lời:

* Nguyên tắc:

* Tiền lương của người lao động do người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận ghi trong hợp đồng lao động, không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định;
* Tiền lương được trả trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc;
* Tiền lương được trả bằng tiền mặt. Việc trả lương một phần bằng séc hoặc ngân phiếu do Nhà nước phát hành, do hai bên thoả thuận với điều kiện không gây thiệt hại, phiền hà cho người lao động.

* Hình thức trả lương cho người lao động:

* Tiền lương theo thời gian: Là hình thức trả lương cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế, bao gồm tiền lương tháng, tiền lương tuần, tiền lương ngày, tiền lương giờ.
* Tiền lương theo sản phẩm: Là hình thức trả lương cho người lao động căn cứ vào số lượng, chất lượng sản phẩm do họ làm ra.
* Tiền lương khoán: Là hình thức trả lương cho người lao động theo khối lượng, chất lượng công việc phải hoàn thành.

Câu 4: Khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, hoặc trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ Luật Lao động:

Tiền lương làm thêm giờ:

* Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
* Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;
* Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% (trong mức 300% này đã bao gồm tiền lương trả cho thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương).

Tiền lương làm việc vào ban đêm:

Người lao động làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ tuỳ từng vùng khí hậu) được trả thêm ít nhất bằng 30 % tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền công của công việc đang làm vào ban ngày.

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

* Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương;
* Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
* Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc vì những nguyên nhân bất khả kháng thì tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Câu 5: Thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Lao động:

Thời giờ nghỉ ngơi trong một ngày (hoặc một ca) làm việc:

* Làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất 30 phút, tính vào giờ làm việc.
* Làm thêm trên 2 giờ trong ngày thì trước khi làm thêm, người lao động được nghỉ ít nhất 30 phút tính vào giờ làm thêm
* Làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc.
* Làm việc theo ca thì được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Thời giờ nghỉ ngơi trong một tuần làm việc:

* Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24h liên tục).
* Người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào chủ nhật hoặc vào một ngày cố định khác trong tuần.

Trường hợp do chu kỳ lao động, không thể bố trí nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm cho người lao động được nghỉ bình quân một tháng ít nhất là 4 ngày.

Những ngày nghỉ tết, nghỉ lễ, người lao động được hưởng nguyên lương:

* Tết dương lịch: 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch).
* Tết âm lịch: 4 ngày (1 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch).
* Ngày Giỗ tổ hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch)
* Ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch).
* Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch).
* Ngày Quốc khánh: 1 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch).

Nếu những ngày nghỉ nói trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

Những ngày nghỉ phép hàng năm, người lao động được hưởng nguyên lương:

* Người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm:
o 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
o 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi;
o 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ năm năm được nghỉ thêm một ngày.
Người lao động do thôi việc hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm, thì được trả lương những ngày chưa nghỉ.

* Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc hoặc được thanh toán bằng tiền.

Những ngày nghỉ về việc riêng, người lao động được hưởng nguyên lương:

* Kết hôn, nghỉ 3 ngày;
* Con kết hôn, nghỉ 1 ngày;
* Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết, nghỉ 3 ngày.

Câu 6: Bộ luật Lao động quy định các hình thức xử lý kỷ luật lao động như thế nào? Nguyên tắc và điều kiện xử lý kỷ luật lao động?

Trả lời:

Khi vi phạm kỷ luật lao động, người lao động có thể bị xử lý một trong những hình thức sau:

* Khiển trách;
* Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức;
* Sa thải.

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau:

* Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp;
* Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm;
* Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Nguyên tắc và điều kiện xử lý kỷ luật lao động:

* Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
* Khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt đương sự và phải có sự tham gia của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp;
* Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật lao động bị xử lý một hình thức kỷ luật. Khi một người lao động có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động đồng thời thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất;
* Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm nội quy lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;
* Người lao động có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bào chức;
* Việc xem xét xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản;
* Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
* Cấm dùng hình thức phạt tiền, cúp lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
* Cấm xử lý kỷ luật lao động vì lý do tham gia đình công.

Câu 7: Người lao động có những nghĩa vụ và quyền hạn gì về bảo hộ lao động?

Trả lời:

Nghĩa vụ:
- Chấp hành các quy định, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
- Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động nơi làm việc; nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.
- Phải báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm; tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.

Quyền hạn:
- Yêu cầu của người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện, thực hiện biện pháp an toàn, vệ sinh lao động.
- Từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe doạ nghiệm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của mình và phải báo ngay với người phục trách trực tiếp; từ chối trở lại làm việc nơi nói trên nếu nguy cơ đó chưa được khắc phục.
- Khiếu nại hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước có thảm quyền khi người sử dụng lao động vi phạm quy định của Nhà nước hoặc không thực hiện đúng giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể.

Câu 8: Khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động (NLĐ) được hưởng các chế độ bảo hiểm nào?

Trả lời: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Khi tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ được hưởng:

* Chế độ trợ cấp ốm đau;
* Chế độ trợ cấp thai sản;
* Chế độ trợ cấo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
* Chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ;
* Chế độ hưu trí;
* Chế độ tử tuất.

Câu 9: hãy cho biết những trường hợp nào thì được xem là đình công bất hợp pháp và quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong thời gian đình công?

Trả lời:

Đình công thuộc một trong những trường hợp sau đây là bất hợp pháp:

* Không do Công đoàn cơ sở (ở những doanh nghiệp đã có Công đoàn) hoặc đại diện tập thể lao động (ở những doanh nghiệp chưa có Công đoàn) tổ chức, lãnh đạo đình công;
* Không xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể;
* Không do những CNLĐ cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành;
* Tranh chấp lao động tập thể chưa hoặc đang được giải quyết;
* Không thực hiện việc lấy ý kiến CNLĐ và thông báo việc lấy ý kiến cho người sử dụng lao động;
* Không bảo đảm tỉ lệ số người được lấy ý kiến theo quy định của pháp luật;
* Nội dung quyết định đình công và bản yêu cầu không theo đúng quy định của pháp luật;
* Đình công tại doanh nghiệp không được đình công;
* Đình công khi có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Những hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công:

* Cản trở việc thực hiện quyền đình công và người lao động không tham gia đình công đi làm việc;
* Kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công;
* Có hành vi bạo lực;
* Làm tổn hại máy móc, thiết bị và tài sản doanh nghiệp;
* Xâm nhập trật tự, bảo đảm an toàn doanh nghiệp;
* Chấm dứt hợp đồng lao động, điều động, chuyển làm việc khác, đưa đi làm việc ở nơi khác, xử lý trật tự, trù dập, trả thù đối với người lãnh đạo đình công và CNLĐ vì lỳ do chuẩn bị đình công, tham gia đình công, lãnh đạo đình công;
* Tự ý chấm dứt hoạt động doanh nghiệp để chống lại đình công;
* Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong thời gian đình công:

* CNLĐ tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác;
* CNLĐ không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công, được trả lương ngừng việc theo mức do hai bên (NLĐ và NSDLĐ) thoả thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động;
* Đình công bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân tham gia đình công có lỗi phải bồi thường thiệt hai theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Khi quyết định của Toà án về cuộc đình công bất hợp pháp đã có hiệu lực pháp luật, người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật;
* Lợi dụng đình công, cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc, trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo đình công, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc gây thiệt hại phải bồi thường.