Trò chuyện với Đại phó Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship

Đăng: 14:06 31-10-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

 Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship – tức Công ty Vận tải biển III trước đây được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TCCB ngày 10/3/1984 của Bộ Giao thông Vận tải và sau đó được thành lập lại theo Quyết định số 463/QĐ-TCCB ngày 23/3/1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với nhiệm vụ chủ yếu là vận tải hàng hoá nội địa, vận tải biển pha sông, kết hợp với vận tải vùng Đông Nam Á và vận chuyển hành khách tuyến Bắc Nam và ngược lại. Trong lịch sử gần 30 năm hình thành và phát triển, Công ty đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được những thành tích cao trong sản xuất kinh doanh và góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

     Trong hành trình đến với Vinaship ngày hôm nay, chúng tôi xin được phỏng vấn anh Tô Tất Đạt – Đại phó của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship. Sau đây là toàn văn buổi phỏng vấn với anh Tô Tất Đạt đã được chúng tôi ghi chép lại:

     Chu Diệu Linh (CDL): Cám ơn anh Đại đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay. Trước tiên, xin hỏi anh Đạt đã vào làm ở Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship được bao nhiêu năm và cảm nhận của anh về Công ty cũng như những người lao động xung quanh anh như thế nào?

     Anh Tô Tất Đạt (TTĐ): Tôi vào làm việc ở Công ty đã được 28 năm. Tôi thấy Vinaship trước đây cũng như hiện nay luôn là 1 tập thể rất đoàn kết, vững mạnh, có bề dày truyền thống, kinh nghiệm và tất cả đều luôn nỗ lực lao động sản xuất vì sự phát triển bền vững của Công ty.

     CDL:  Được biết hiện tại anh đang là Đại phó và chắc chắn là phải mất nhiều năm thì một thủy thủ mới lên được vị trí đó. Vậy theo anh, đối với thuyền viên Việt Nam thì cần phải có những phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ như thế nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và giao thương hàng hải ngày càng mở rộng như hiện nay?

     Anh TTĐ: Cá nhân tôi suy nghĩ, thuyền viên Việt Nam nói chung muốn hội nhập nhanh chóng vào quá trình này thì phải thường xuyên học hỏi, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, luôn cập nhật những thông tin mới nhất về ngành hàng hải quốc tế và Việt Nam. Một điều quan trọng nữa, theo tôi là thuyền viên Việt Nam phải tích cực nâng cao trình độ ngoại ngữ vì đây là điều tối cần thiết đối với nghề đi biển, vừa có tác dụng giao tiếp hàng ngày giữa thuyền viên với nhau, vừa phải nghe hiểu mệnh lệnh của cấp trên để tuân thủ cho đúng giúp cho việc vận hành tàu được an toàn, hiệu quả, năng suất.

 

 

     CDL: Đặc thù của nghề đi biển là phải làm việc xa nhà, lênh đênh trên biển dài ngày nên thời gian ở bên gia đình là rất ít. Vậy tổ chức công đoàn nơi anh công tác đã có những hoạt động cụ thể gì để chăm lo cho thuyền viên và gia đình thuyền viên?

     Anh TTĐ: Có thể nói, Công đoàn Vinaship là tổ chức công đoàn thực hiện rất tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong đó có đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và gia đình họ. Công đoàn phối hợp tích cực với chuyên môn để sắp xếp những “đát” đi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của sỹ quan thuyền viên; thương lượng với lãnh đạo chuyên môn trả một phần lương qua thẻ để đảm bảo cuộc sống cho gia đình thuyền viên. Mỗi khi tàu của Công ty cập cảng Việt Nam, Công đoàn đều cử đoàn xuống thăm hỏi tình hình sinh hoạt, động viên tinh thần cho anh em sỹ quan thuyền viên, cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, sản xuất kinh doanh của đơn vị và phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động công đoàn của Công ty. Mỗi khi có thành viên trong gia đình sỹ quan thuyền viên bị ốm đau hay gặp khó khăn, hoạn nạn, Công đoàn luôn kịp thời có mặt để động viên, chia sẻ với gia đình cả về vật chất và tinh thần giúp cho anh em chúng tôi yên tâm công tác trên tàu.  Đặc biệt, trong tình hình khó khăn như hiện nay của ngành vận tải biển, tổ chức công đoàn Công ty lại càng gắn bó hơn với người lao động và anh em sỹ quan thuyền viên chúng tôi, thường xuyên thông tin về những khó khăn của Công ty để từ đó làm cho anh em sỹ quan thuyền viên hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của ngành vận tải biển và quyết tâm gắn bó, cùng với Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

     CDL: Trước thềm Đại hội IV Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, anh có kiến nghị, đề xuất gì để trong nhiệm kỳ tới (2013-2018), Công đoàn Tổng công ty có thể thực hiện tốt hơn những chức năng, nhiệm vụ của mình đối với người lao động trong Tổng công ty, trong đó có đội ngũ sỹ quan, thuyền viên?

     Anh TTĐ: Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên đa số người lao động đều mong muốn là Ban Chấp hành của nhiệm kỳ sau sẽ làm tốt hơn nhiệm kỳ trước. Tuy được dự đoán là tình hình kinh tế nói chung và ngành vận tải biển nói riêng sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong một vài năm tới nhưng người lao động chúng tôi luôn tin tưởng Tổng công ty và Công đoàn Tổng công ty sẽ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

     Là một người đi biển lâu năm, tôi thấy có một vài vấn đề nổi cộm đối với thuyền viên như: sau khi hết một nhiệm kỳ làm việc trên tàu, chúng tôi di chuyển bằng máy bay và hành lý mang theo là rất nhiều trong đó đồ bảo hộ lao động cho mỗi thuyền viên để làm việc trên tàu chiếm trọng lượng rất lớn. Trong khi thuyền viên một số nước được miễn tính cước hành lý quá cân thì thuyền viên Việt Nam chúng tôi không được hưởng quyền lợi đó. Thứ 2 là mức tính thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng lao động đi biển cũng được tính ngang bằng với lao động trên bờ là một sự bất cập vì đặc thù lao động trên biển là công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Thứ 3 là thuyền viên nước ngoài thì được chu cấp hoàn toàn tiền ăn, còn ở Việt Nam thì chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 70%, còn 30% còn lại thì phải trích từ quỹ lương của mỗi thuyền viên. Đây là những cái mà tôi cho là thiệt thòi đối với thuyền viên Việt Nam. Tôi mong muốn, Công đoàn Tổng công ty làm thế nào để có kiến nghị, đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các Bộ có liên quan để giải quyết những vấn đề này cho anh em thuyền viên chúng tôi để chúng tôi yên tâm công tác.

     CDL: Chúng tôi ghi nhận những kiến nghị của anh ngày hôm nay và sẽ chuyển tới Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty. Xin trân trọng cám ơn anh về buổi trò chuyện ngày hôm nay.

 

CDL.