Công tác công đoàn đối với lao động thuyền viên trong tình hình mới

Đăng: 16:29 30-10-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

Trong những năm vừa qua, đặc biệt là từ năm 2011 trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước
 Đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trong những năm qua chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Hiệu quả sản xuất kinh doanh bị suy giảm đáng kể, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải biển. Đến nay, tình trạng suy giảm giá cước vận tải biển vẫn kéo dài, chưa có dấu hiệu hồi phục. Bên cạnh đó, tình trạng chất lượng của một bộ phận sỹ quan, thuyền viên công tác trên các đội tàu biển giảm sút và không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn để công tác trên tàu biển đã phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ lao động trong ngành Hàng hải. Đứng trước những thực trạng đó, ngày 24/8/2012, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn Tổng công ty và các đơn vị kinh doanh vận tải biển là thành viên của Tổng công ty tổ chức Hội nghị chuyên đề về thuyền viên và cùng nhau ký kết Quy ước Thống nhất quản lý thuyền viên Vinalines.

 

     Sau một năm đi vào triển khai thực hiện, Quy ước Thống nhất quản lý thuyền viên Vinalines đã phần nào giải quyết được những mặt còn tồn tại, hạn chế của lực lượng sỹ quan, thuyền viên Tổng công ty, đồng thời xây dựng nên một diễn đàn tiếng nói chung của các đơn vị kinh doanh Vận tải biển trong Tổng công ty. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn Tổng công ty đã chỉ đạo Công đoàn các đơn vị thành viên trong khối Vận tải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đồng thời xây dựng chương trình công tác và chỉ đạo các Công đoàn trực thuộc trong đó có Công đoàn tàu thực hiện nhiệm vụ tổ chức vận động thuyền viên thi đua lao động sản xuất và tham gia quản lý đơn vị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thường xuyên tuyên truyền giáo dục thuyền viên, góp phần cùng với chuyên môn ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

     Trong năm vừa qua, các cấp Công đoàn thuộc Tổng công ty đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với đội ngũ CNVCLĐ; trong đó đặc biệt chú ý tới việc tuyên truyền, giáo dục đội ngũ sỹ quan, thuyền viên nhằm thực hiện tốt nội quy lao động, Quy ước Thống nhất quản lý thuyền viên Vinalines, tuyên truyền về việc gia nhập Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC 2006). Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị phổ biến quán triệt, tuyên truyền miệng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên trong toàn Tổng công ty.

     Các cấp Công đoàn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn đồng cấp đào tạo và tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên Tổng công ty. Cụ thể là: Tổ chức các khóa đào tạo, các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề hoặc cử cán bộ, sỹ quan, thuyền viên tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động cho Tổng công ty. Trong nhiều năm qua, Công đoàn Tổng công ty đã phối hợp với Công đoàn Thủy thủ Nhật Bản và Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản triển khai thực hiện Dự án nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam (VSUP) nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam trong thời kỳ mới.

     Tính đến thời điểm này, Dự án VSUP đã triển khai được 33 khóa học với 1.652 học viên và chương trình VSUP ngắn hạn đã đào tạo được 1.090 học viên. Riêng trong năm 2012, các bên đã phối hợp tổ chức khai, bế giảng cho gần 200 học viên. Dự án nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam đã tạo điều kiện nâng cao trình độ tiếng Anh, tính kỷ luật, chuyên nghiệp cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam và mở ra cơ hội làm việc trên đội tàu Nhật Bản với công việc ổn định, mức thu nhập cao.

 

     Về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Hàng năm, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty đều phối hợp với Tổng giám đốc ban hành công văn liên tịch hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động tại các Công ty, doanh nghiệp thành viên. Căn cứ vào kế hoạch hướng dẫn của Công đoàn và Giám đốc đơn vị, Công đoàn các tàu phối hợp với thuyền trưởng tổ chức Hội nghị người lao động bao gồm toàn thể sĩ quan, thuyền viên tàu. Đây chính là hình thức chủ yếu để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của thuyền viên trong công việc tham gia quản lý trên tàu.

     Các Công đoàn cơ sở trực thuộc đã phối hợp với cơ quan chuyên môn đồng cấp quan tâm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của sĩ quan, thuyền viên. Tại các Hội nghị, diễn đàn của mình, Công đoàn Tổng công ty đã kiến nghị với Tổng Liên đoàn và các cơ quan liên quan về hệ số lương của thủy thủ, thợ máy, cấp dưỡng, phục vụ viên trên tàu; về điều chỉnh xem xét nâng mức thu nhập khởi điểm chịu thuế TNCN cho lao động đặc thù của ngành hàng hải là các sỹ quan, thuyền viên làm việc trên các tàu viễn dương; về việc cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh lưu động cho đối tượng lao động là thuyền viên vận tải biển và một số ngành nghề có tính chất lưu động khác; về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động, cho phép các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hiện còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì được đóng đủ số tiền BHXH, BHYT, BHTN cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, thai sản, người lao động bị tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thôi việc để giải quyết chế độ BHXH, BHTN và xác nhận sổ BHXH theo quy định, như cơ chế đã áp dụng với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Từ các kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đồng ý chủ trương cho các doanh nghiệp thuộc Vinalines được phép khoanh nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012 trở về trước.

     Từ năm 2011 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị vận tải biển trong Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu, lợi nhuận thấp, việc làm của sỹ quan, thuyền viên không được đảm bảo, chất lượng đời sống cũng như việc thanh toán tiền lương, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cho thuyền viên vì thế cũng bị ảnh hưởng theo. Đứng trước tình hình đó, ngày 19/11/2012, Tổng giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã ban hành công văn liên tịch số 2778/LT-HHVN-CĐHHVN về việc ủng hộ thuyền viên các đơn vị khối Vận tải biển gặp khó khăn. Trong đó, Tổng giám đốc và Ban thường vụ Công đoàn Tổng công ty kêu gọi toàn thể cán bộ, CNVCLĐ trong Tổng công ty hãy chia sẻ, huy động từ các nguồn quỹ và đóng góp mỗi người 01 ngày lương thu nhập hỗ trợ các sỹ quan, thuyền viên giải quyết một phần những nhu cầu thiết yếu và khó khăn trước mắt trong cuộc sống hàng ngày để tiếp tục bám tàu, bám biển, góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tính đến cuối năm 2012, số tiền ủng hộ theo công văn này lên tới trên 2 tỷ đồng. Công đoàn Tổng công ty đã phối hợp với cơ quan chuyên môn trích từ nguồn kinh phí này để hỗ trợ thuyền viên trên các tàu của Vinashinlines tiền ăn, tiền nước ngọt cũng như hỗ trợ để các tàu mua trang thiết bị phục vụ chống rét.

     Bên cạnh đó, Công đoàn cũng làm tốt công tác thăm hỏi động viên, chia sẻ buồn vui trước những gia cảnh của thuyền viên, quan tâm chăm sóc lẫn nhau khi ốm đau trên tàu, động viên nhau vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công đoàn kết hợp với chuyên môn tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết các gia đình thuyền viên (đối với sỹ quan, thuyền viên đang công tác không được nghỉ Tết) hoặc tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt với thuyền viên và gia đình thuyền viên của đơn vị nhân dịp Tết đến, Xuân về.

 

     Ngoài ra, tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể của đơn vị, của tàu; các cấp Công đoàn đã phát động các phong trào thi đua với nội dung, mục tiêu cụ thể. Công đoàn tàu vận động sĩ quan, thuyền viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý vật tư, nhiên liệu. Sáng tạo trong từng ứng dụng hệ thống quản lý mới, sử dụng công nghệ thông tin trong các tác nghiệp cụ thể… Cuối mỗi đợt thi đua, Công đoàn Tổng công ty cũng như Công đoàn các cấp đều tổ chức sơ kết, tổng kết và khen thưởng cho các tập thể tàu, sỹ quan, thuyền viên đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

     Có thể nói rằng, sau một năm đi vào triển khai thực hiện, Quy ước Thống nhất quản lý thuyền viên Vinalines vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn nữa với thực tế cũng như nhận được sự đồng thuận nhiều hơn của các doanh nghiệp thành viên. Với chức năng của mình, trong thời gian tới, Công đoàn Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CBCNV, sỹ quan, thuyền viên, để họ cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, thách thức của đơn vị, từ đó đội ngũ CNVCLĐ, sỹ quan, thuyền viên đều nhìn nhận và nhận thức đúng, phát huy truyền thống đoàn kết, giữ vững ổn định nội bộ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, dân chủ, tin tưởng và tiến bộ trong đơn vị, đảm bảo thực hiện tốt công việc để cùng đơn vị khắc phục khó khăn trước mắt.

     Các cấp Công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền về nội dung Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2012), Luật Công đoàn năm 2012, Quy ước Thống nhất quản lý thuyền viên Vinalines. Tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thúc đẩy khả năng tham gia Công ước Lao động Hàng hải 2006 của Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ sỹ quan, thuyền viên về các nội dung cơ bản của Công ước, quyền lợi của sỹ quan, thuyền viên khi Việt Nam tham gia Công ước.

     Tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế trong vấn đề nâng cao năng lực, tay nghề, trình độ tiếng Anh cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam. Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức cho thuyền viên về công tác bảo hộ lao động, những văn bản luật pháp quốc tế và trong nước mới về hàng hải…

     Tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tổ chức Hội nghị người lao động đúng thời gian, nội dung đã quy định. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tổ chức  ký kết, rà soát, sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với các nội dung của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012.

     Đẩy mạnh việc thực hiện các chế độ chính sách, công tác chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho sỹ quan, thuyền viên. Hướng dẫn các Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Làm việc với các Công ty Vận tải biển trực thuộc Tổng công ty về việc tăng cường công tác phúc lợi cho sỹ quan, thuyền viên và gia đình.

     Trong tình hình khó khăn như hiện nay, hoạt động công đoàn đối với lao động thuyền viên càng phải đi vào chiều sâu chất lượng, khi đó mới tạo được niềm tin đối với sỹ quan, thuyền viên, những người gánh vác những công việc vất vả, xa gia đình, xa quê hương… Khi người lao động, sỹ quan, thuyền viên hiểu và nhận thức đúng sẽ cùng nhau đoàn kết, hết lòng với nhiệm vụ và công việc, góp phần xây dựng doanh nghiệp nói riêng và Tổng công ty nói chung ngày càng phát triển ổn định, bền vững.

 

Ban Chính sách – Pháp luật

Công đoàn Tổng công ty.