Một số điều cần biết đối với cán bộ công đoàn trong quá trình tái cơ cấu

Đăng: 16:27 30-10-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

1. Tuyên truyền cho người lao động hiểu và nhận thức sâu sắc về tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tập trung tuyên truyền những nội dung sau:
 Tái cơ cấu doanh nghiệp là việc cấu trúc và thiết kế lại doanh nghiệp để gọn nhẹ, linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, tái cơ cấu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy quản lý, cải cách công tác quản lý, tái cấu trúc lại cả quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó định hình mô hình và cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và định hướng lâu dài của doanh nghiệp.

Tái cơ cấu là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của các cơ sở kinh tế trong nước cùng sự tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tái cơ cấu được tiến hành ở nhiều cấp, nhiều ngành và doanh nghiệp, của cả trung ương và địa phương.

Trong tái cơ cấu, sẽ phải điều chỉnh và sắp xếp lại hệ thống tổ chức, quản lý và điều hành, cùng các ngành nghề sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư lớn, trình độ quản lý và sản xuất cũng như năng suất lao động đòi hỏi cao hơn, trong khi nguồn nhân lực lại sử dụng tinh và ít hơn.

Sự sắp xếp, thay đổi một cách toàn diện theo quy trình, quy chuẩn sẽ tạo cho doanh nghiệp có khả năng để thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, có tính ổn định và bền vững cao, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.

2. Công khai hóa cho người lao động được biết về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quá trình tiến hành tái cơ cấu:

Công đoàn tham gia cùng với chuyên môn công khai hóa tình hình sản xuất kinh doanh, việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể; thực hiện nội quy, quy chế làm việc, chế độ lương, thưởng… tới đông đảo người lao động.

Nêu lên những khó khăn, thách thức, áp lực của người sử dụng lao động trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay và trong việc triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp để người lao động hiểu và chia sẻ với người sử dụng lao động.

Đảm bảo thực hiện nghiêm túc một số tiêu chí như công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

3. Nắm bắt tâm tư, nguỵên vọng của người lao động

Công đoàn chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, thắc mắc, nguyện vọng của người lao động; là cầu nối để cho người sử dụng lao động hiểu được những khó khăn, vướng mắc đó và đề ra những giải pháp để giải quyết thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, từ đó giúp cho người sử dụng lao động và người lao động tìm được tiếng nói chung.

Động viên người lao động hiểu, chia sẻ khó khăn, từ đó có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, với người sử dụng lao động.

4. Công đoàn thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý:

Công đoàn tham gia với lãnh đạo chuyên môn xây dựng, giám sát xây dựng tiêu chí phân loại lao động làm căn cứ lập phương án sắp xếp lao động đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời sử dụng tối đa lao động hiện có.

Tham gia giám sát việc tính toán các chế độ trợ cấp cho từng đối tượng lao động dôi dư, đảm bảo những đối tượng này được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.

Giám sát việc công khai trình tự thủ tục, địa điểm, thời gian, đơn vị, cá nhân liên quan trực tiếp đến việc thanh toán chế độ cho lao động dôi dư biết. Việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động dôi dư trong danh sách đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm nhanh, gọn, đầy đủ, dứt điểm, không để người lao động phải đi lại nhiều lần.

Giám sát giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong quá trình sắp xếp lao động và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư.

Đề xuất với Giám đốc, Chủ tịch HĐTV, HĐQT công ty về việc hỗ trợ thêm cho NLĐ dôi dư bằng nguồn kinh phí hợp pháp của doanh nghiệp.

Phản ánh kịp thời với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình giám sát và tham gia tổ chức thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư.

Báo cáo với Công đoàn cấp trên về những kết quả đã làm được, những khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách trong tổ chức thực hiện; đề xuất, kiến nghị biện pháp giải quyết sau khi doanh nghiệp hoàn tất việc chi trả (hoặc đang trong quá trình chi trả) trợ cấp cho lao động dôi dư.

Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các buổi đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động để giải quyết thắc mắc, kiến nghị của người lao động trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn và sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp, chia sẻ của người lao động và người sử dụng lao động.

Công đoàn chủ động đề xuất, tư vấn cho lãnh đạo chuyên môn tổ chức đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ, vi tính… giúp người lao động thích ứng được nhanh ở vị trí mới khi doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu.

Công đoàn vừa phải thể hiện bảo vệ quyền lợi cho người lao động đồng thời cũng phải đảm bảo cho quyền lợi của người sử dụng lao động, đóng vai trò là cầu nối giữa hai bên, giúp hai bên tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu.

5. Một số văn bản cán bộ công đoàn cần quan tham khảo khi doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu:

5.1. Nghị định của Chính phủ:

- Nghị định số 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/8/2010 quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

5.2. Văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính:

- Quyết định số 09/2008/QĐ-BTC ngày 31/01/2008 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, Tổng công ty  nhà nước, công ty mẹ (thay thế quyết định số: 76/2003/QĐ-BTC ngày 28/5/2003).

- Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5/8/2010 hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

- Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

- Thông tư số 180/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 24/10/2012 hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp.

- Thông tư số 10/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18/01/2013 hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con.

5.3. Văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2010 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP hướng dẫn chính sách đối với lao động dôi dư.

- Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH ngày 20/12/2012 hướng dẫn chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 59 của Chính phủ.

5.4. Văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

- Hướng dẫn số 409/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 22/3/2011 hướng dẫn Công đoàn tham gia thực hiện Nghị định 91 của Chính phủ.

5.5. Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn (sửa đổi 2012).

                                                          C.D.L

Công đoàn Tổng công ty