QUY TRÌNH KIỂM TRA KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM ĐIỀU LỆ, NGHỊ QUYẾT, CHỈ THỊ VÀ CÁC QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ĐOÀN

Đăng: 08:48 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

Kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức và đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn là nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp do ủy ban kiểm tra các cấp chủ động, trực tiếp tiến hành theo quy trình sau đây:
   1. Bước chuẩn bị

          – Xác định nguồn tin thu thập được, phân loại tính chất, mức độ quan trọng của dấu hiệu vi phạm.

          – Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra (nếu thấy cần thiết), thành lập đoàn kiểm tra và thông báo kiểm tra.

          + Chương trình hoạt động của ủy ban kiểm tra là văn bản nhằm đề ra nội dung hoạt động cho một thời gian nhất định để hướng hoạt động kiểm tra có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tạo thế chủ động trong quá trình thực hiện.

          + Kế hoạch kiểm tra cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra.

          + Quyết định kiểm tra là cơ sở pháp lý để đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm tra. Quyết định kiểm tra do chủ nhiệm thay mặt ủy ban kiểm tra ký ban hành. Trường hợp vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều ban chuyên đề hoặc có ảnh hưởng lớn thì Quyết định ủy ban kiểm tra do chủ tịch hoạc phó chủ tịch công đoàn ký ban hành. Quyết định kiểm tra phải căn cứ vào dấu hiệu vi phạm đã phát hiện; nêu rõ đối tượng kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời gian kiểm tra; thành phần tham gia đoàn kiểm tra và những yêu cầu cho cuộc kiểm tra.

          Thành phần đoàn kiểm tra phải ghi rõ tên của các thành viên, ai là trưởng đoàn, phó trưởng đoàn (nếu có)

          + Thông báo kiểm tra, tùy theo tính chất và nội dung kiểm tra  để có hình thức thông báo phù hợp.

          – Đại diện đoàn kiểm tra làm việc với lãnh đạo công đoàn nơi được kiểm tra, hoặc tổ chức, nơi trực tiếp quản lý cán bộ, đoàn viên được kiểm tra chuẩn bị báo cáo, giải trình (bằng văn bản) theo nội dung kiểm tra, quy định thời hạn nộp báo cáo và chuẩn bị cung cấp các tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra.

          – Họp đoàn kiểm tra: Trưởng đoàn kiểm tra tổ chức họp đoàn để quán triệt mục đích, nội dungm yêu cầu của kiểm tra, bàn các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện; phân công nhiệm vụ cho từng đàon viên trong đoàn kiểm tra. Việc phân công nhiệm vụ cần phải cụ thể, rõ rãng có thể phân công vào thời gian thích hợp để các thành viên có sự chuẩn bị một cách tốt nhất trước khi thực hiện kiểm tra và từng thành viên xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra.

          – Chuẩn bị cơ sở, vật chất phục vụ cho cuộc kiểm tra như: tài liệu, công cụ, phương tiện đi lại, tài chính… để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra.

          2. Bước tiến hành kiểm tra

          – Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với đối tượng kiểm tra để công bố quyết định kiểm tra: việc công bố quyết định kiểm tra phải được lập thành văn bản, trong đó phải có chữ ký xác nhận của đoàn kiểm tra và đổi tượng kiểm tra, cơ quan, tổ chưc có liên quan, đồng thời là tài liệu của hồ sơ cuộc kiểm tra;

          + Yêu cầu lãnh đạo tổ chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên được kiểm tra trình bày báo cáo về những nội dung liên quan đến cuộc kiểm tra;

          + Đoàn kiểm tra nêu ra các câu hỏi về các nội dung cần làm rõ thêm hoặc yêu cầu bổ sung thêm báo cáo bằng văn bản (nếu cần);

          + Đơn vị được kiểm tra báo cáo, giải trình những vẫn đề do Đoàn kiểm tra nêu ra;

          + Đoàn kiểm tra tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra để xem xét;

          + Trước khi kết thúc buổi làm việc, đoàn kiểm tra thống nhất lịch trình làm việc cho thời gian tiếp theo với đơn vị được kiểm tra và yêu cầu bố trí người đi cùng đoàn (nếu cẩn);

          – Các thành viên đoàn kiểm tra thu thập và nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn.

          – Cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, xác minh, làm việc với cán bộ, đoàn viên, tổ chức công đoàn liên quan đến nội dung kiểm tra và báo cáo kết quả làm việc (kèm theo biên bản làm việc) với đoàn kiểm tra.

          – Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho kiểm tra.

          – Yêu cầu người có thẩm quyền niêm phong tài liệu, tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý.

          – Tùy nội dung và đối tượng kiểm tra, có thể tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đoàn viên có quan hệ đến tổ chức công đoàn, đoàn viên được kiểm tra.

          – Kiến nghị với người có thẩm quyền đình chỉ việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của tổ chức hoặc kiến nghị tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan kiểm tra hoặc đối tượng kiểm tra nếu xét thấy việc đó gây trở ngại cho kiểm tra.

          3. Bước kết thúc

          – Căn cứ báo cáo của tổ chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên được kiểm tra; ý kiến của cán bộ, đoàn viên có quan hệ đến đối tượng được kiểm tra; ý kiến của tổ chức công đàon cấp dưới (nếu có) và kết quả nghiên cứu, xem xét, thẩm tra, xác minh, các biên bản làm việc (nếu có), đoàn kiểm tra dự thảo kết luận về những nội dung kiểm tra, có thể trao đổi với tổ chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên được kiểm tra và tổ chức đang quản lý cán bộ, đoàn viên đó về ý kiến kết kuận của đoàn kiểm tra.

          – Tổ chức cuộc họp giữa đoàn kiểm tra với lãnh đạo công đoàn nơi được kiểm tra để thống báo dự thảo kết luận kiểm tra và nghe ý kiến phản hồi từ đơn vị, cá nhân được kiểm tra và các ý kiến trao đổi, làm rõ thêm các các vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo kết luận kiểm tra.

          Nội dung kết luận kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, thể hiện rõ ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm hay không vi phạm, vi phạm về vấn đề gi, mức độ, tính chất tác hại và nguyên nhân của vi phạm, những kiến nghị về khắc phục khuyết điểm và mức độ xử lý kỷ luật (nếu có).

          – Đoàn kiểm tra ghi nhận các kiến nghị của đơn vị và cá nhân được kiểm tra để trình cấp có thẩm quyền giải quyết.

          – Hoàn thiện kết luận kiểm tra và chính thức ban hành; kết luận kiểm tra do trưởng đoàn kiểm tra ký, đóng dấu và được công bố công khai với tổ chức công đoàn, đoàn viên nơi được kiểm tra.

          – Kết luận kiểm tra chính thức được gửi đến thường trực công đoàn và ủy ban kiển tra công đoàn cùng cấp (để báo cáo); tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

          – Xem xét hoặc phối hợp với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những nội dung mà tổ chức, cá nhân được kiểm tra chưa nhất trí (nếu có).

          – Sau khi kết thúc cuộc kiểm tra đoàn kiểm tra có trách nhiệm lập và chuyển cho bộ phận lưu trữ hồ sơ về cuộc kiểm tra theo quy định của tổ chức công đoàn.

          – Họp đoàn kiểm tra để tổng kết rút kinh nghiệm về cuộc kiểm tra (nếu thấy cần thiết) và đoàn kiểm tra tự giải thể khi đã hoàn thành nhiệm vụ theo quyết định kiểm tra.

          – Ủy ban kiểm tra nơi tổ chức cuộc kiểm tra theo dõi, đôn đốc bên được kiểm tra thực hiện nghiêm chỉnh kết luận và kiến nghị của cuộc kiểm tra; tiến hành phúc tra việc thực hiện kết luận đã kiểm tra (nếu cần).