Một số điều cần biết về tổ chức Công đoàn.

Đăng: 08:44 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

Câu 1: Quá trình hình thành Công đoàn Việt Nam?
 Trả lời: Cuối thế ký XIX, sau khi thôn tính được Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa, tập trung đầu tư vào một số ngành chủ yếu như đường sắt, hầm mỏ, xí nghiệp, đồn điền. Từ đó đã hình thành giai cấp công nhân Việt Nam.

Trước sự bóc lột thậm tệ và đàn áp giả man của tư bản thực dân, CNLĐ nước ta đã tự nguyện tập hợp nhau lập ra các tổ chức nghiệp đoàn, công hội để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình ở nhiều nơi trong cả nước. Tiêu biểu nhất là Công hội Ba Son do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng sáng lập (1920), hình thức tổ chức sơ khai của Công đoàn Việt Nam.

Quá trình hình thành và ra đời của Tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) – Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu hình thành tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm hoạt động Công đoàn nói chung và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam nói riêng.

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Bác viết: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp đỡ cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Quá trình người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn Cách mạng.

Từ năm 1925 đến năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động mạnh mẽ đã thành lập nhiều tổ chức Công hội bí mật trong công nhân.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời đã liên kết các Công hội đỏ ở các cơ sở và giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929 tại nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội bầu ra Ban chấp hành lâm thời đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (tức Bếp). Quyết định thành lập Báo lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan tuyên truyền của Công hội đỏ.

Sự kiện thành lập Tổng công hội đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.

Câu 2:  Khái niệm về Công đoàn Việt Nam?

Trả lời: Điều 10, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước; tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kiểm tra, giáo dục cán bộ công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Điều 1, Luật Công đoàn năm 1990: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động”.

Câu 3: Các chức năng của Công đoàn Việt Nam?

Trả lời: Công đoàn Việt Nam có ba chức năng:

- Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động;

- Tham gia quản lý Nhà nước nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế;

- Giáo dục, động viên, công nhân, viên chức, lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Câu 4: Đối tượng và thủ tục gia nhập Công đoàn như thế nào?

Trả lời:

* Đối tượng gia nhập Công đoàn:

CNVCLĐ Việt Nam làm công ăn lương, người lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, nam nữ, tín ngưỡng, dân tộc, nếu tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều có thể gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

* Thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam:

- Tự viết đơn gia nhập Công đoàn;
- Nộp đơn cho Ban Chấp hành công đoàn cơ sở nơi bạn đang làm việc.

Câu 5: Đoàn viên công đoàn có quyền lợi, nghĩa vụ gì?

Trả lời:

* Quyền và lợi ích của đoàn viên Công đoàn:

* Một là: Được thông tin, thảo luận và biểu quyết công việc của Công đoàn, được ứng cử, đề cửa và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Công đoàn; những đoàn viên ưu tú được Công đoàn giới thiệu để Đảng xem xét kết nạp, giới thiệu để bầu vào cơ quan của Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội khác; được phê bình, chất vấn cán bộ lãnh đạo của Công đoàn, kiến nghị, bãi miễn cán bộ công đoàn có sai phạm.
* Hai là: yêu cầu Công đoàn can thiệp (kể cả trước toà án) bảo vệ nhân phẩm và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm như: việc làm, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động…
* Ba là: Được Công đoàn tư vấn miễn phí về pháp luật lao động và Công đoàn; được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; ưu tiên xét và học tại các trường, lớp do Công đoàn tổ chức; được thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn; được tham gia các sinh hoạt văn hoá, du lịch, nghi ngơi do Công đoàn tổ chức.
* Bốn là: Đoàn viên khi nghỉ hưu được Công đoàn cơ sở nơi làm thủ tục về nghỉ và Công đoàn cơ sở nơi cư trú giúp đỡ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ hưu trí, Ban liên lạc hưu trí do Công đoàn tổ chức.

* Nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn:

* Một là: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
* Hai là: Thực hiện các Nghị quyết của Công đoàn, tham gia các hoạt động và sinh hoạt Công đoàn, đóng đoàn phí, tuyên truyền phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn.
* Ba là: Không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, tay nghề, rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
* Bốn là: Giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ nghề nghiệp, lao động đạt hiệu quả và tổ chức tốt cuộc sống; đoàn kết giúp đỡ nhau bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn.

Câu 6: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động?

Trả lời:

* Công đoàn tham gia với Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách, chế độ về lao động, tiền lương, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động.
* Công đoàn cơ sở cùng với cơ quan, đơn vị, tổ chức, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động theo quy định của pháp luật.
* Trong phạm vi các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh ra trước Quốc hội và Chính phủ.
* Công đoàn có trách nhiệm đôn đốc tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ về lao động.

Câu 7: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong lĩnh vực bảo đảm an toàn vệ sinh lao động?

Trả lời:

* Công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm công tác an toàn vệ sinh công nghiệp.
* Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động.
* Công đoàn được tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động, có quyền yêu cầu cơ quan nhà hoặc Toà án xử lý người chịu trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

Câu 8: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của CNLĐ?

Trả lời:

* Trong phạm vi chức năng của mình, Công đoàn tham gia kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
* Trước khi quyết định các vấn đền về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đến mức buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì người sử dụng lao động phải thảo luận, nhất trí với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở.
* Người sử dụng lao động phải trả lời cho Công đoàn biết kết quả giải quyết những kiến nghị do Công đoàn đưa ra, nếu còn nội dung không giải quyết được phải nói rõ lý do.
* Khi cần thiết, Công đoàn tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan để giải quyết các vấn đền liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

Câu 9: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc ký Thoả ước lao động tập thể, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp lao động?

Trả lời: Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động trong các thành phần kinh tế; giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động.
* Công đoàn tham gia với cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động theo quy định của pháp luật.
* Công đoàn đại diện cho người lao động thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết tranh chấp lao động xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc toà án xét xử tranh chấp lao động, đại diện Công đoàn được quyển tham dự và phát biểu ý kiến.