Những nội dung mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) – Tiếp

Đăng: 09:09 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

 Chương VIII. Kỷ luật Lao động, trách nhiệm vật chất

Những sửa đổi bổ sung của chương này tập trung vào các quy định nâng cao ý thức kỷ luật lao động của người lao động; bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; quy định rõ trình tự, thủ tục đăng ký nội qui lao động (Điều 120).

Chương VIII bỏ hình thức kỷ luật: chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn như đánh bạc, cố ý gây thương tích, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…(Điều 126).

Việc xử lý kỷ luật lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Nếu không được qui định chặt chẽ, việc người lao động lạm dụng công cụ xử lý kỷ luật lao động là rất dễ xảy ra. Vi vậy, Chương VIII bổ sung những quy định cấm về xử lý kỷ luật lao động; nguyên tắc xử lý bồi thường thiệt hại.

Chương IX: An toàn lao động, Vệ sinh lao động

Chương này gồm có 3 Mục, 19 Điều.

 Chương IX là chương quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn nghề nghiệp của người lao động nên những điểm mới của chương này tập trung vào: việc cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; nâng cao ý thức tuân thủ an toàn lao động của người lao động và người sử dụng lao động; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ (8 điều, từ Điều 157 đến Điều 164)

Điểm mới chủ yếu của Chương này là: đưa ra các quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; pháp điển hoá Nghị định 23-CP ngày 18/4/1996 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những qui định riêng đối với lao động nữ.

Điểm sửa đổi lớn nhất của chương này là nâng thời gian nghỉ thai sản lên 06 tháng. Theo đó Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”(Khoản 1, Điều 157).

Chương XII. Bảo hiểm xã hội

Chương này chỉ có 2 Điều so với 12 Điều của Luật hiện hành; quy định theo hướng dẫn chiếu Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 187 Qui định về tuổi nghỉ hưu:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.

Chương XIII. Công đoàn (6 Điều, từ điều 188 đến Điều 193)

Chương XIII quy định vai trò của Công đoàn trong quan hệ lao động; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Điểm mới đáng chú ý của Chương XIII là việc đưa ra cơ chế bảo vê cán bộ công đoàn thông qua các qui định về quyền của cán bộ công đoàn, việc chấm dứt hợp đồng lao động, các hành vi nghiêm cấm và trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Một điểm mới đáng chú ý của Chương VIII là việc qui định vai trò, trách nhiệm của Công đoàn cấp trên cơ có trách nhiệm hỗ trợ công đoàn cơ sở; việc thực hiện trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Chương XIII còn qui định Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở.

Chương XIV. Giải quyết tranh chấp lao động (41 điều, từ Điều 194 đến Điều 234)

Chương XIV có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau:

Bỏ qui định về Hội đồng hoà giải cơ sở, thay bằng Hoà giải viên lao động cấp huyện giải quyết. Điều này xuất phát từ thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được công đoàn thì sẽ không thành lập được Hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Mặt khác, nơi có Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, thì phần lớn hoạt động không hiệu quả.

Đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền (tranh chấp lao động trong những trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện những nghĩa vụ pháp luật qui định đối với tập thể lao động thì tập thể người lao động không được phép đình công, mà phải đâu tranh bằng phương pháp khiếu nại hoặc khiếu kiện theo qui định của pháp luật. Khi có tranh chấp tập thể về quyền, hai bê không tự giải quyết thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (hòa giải viên cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Tòa án để giải quyết, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đúng qui định của pháp luật lao động.

Chương XIV cho phép người sử dụng lao động được tạm thời đóng cửa doanh nghiệp trong quá trình tập thể lao động tiến hành đình công để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tạm thời đóng cửa doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện sau thời điểm cuộc đình công bắt đầu, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động không tham gia đình công, không được đến làm việc và phải mở cửa doanh nghiệp trở lại ngay khi cuộc đình công kết thúc, tập thể lao động trở lại làm việc.

Một điểm mới trong Chương XIV là việc sửa đổi quy trình đình công như thay đổi tỷ lệ người lao động đồng ý đình công…. theo hướng đơn giản hoá trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động; bỏ chủ thể “Đại diện tập thể lao động” ở nơi chưa có công đoàn được quyền lãnh đạo đình công.

Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành 20 Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đôi) 2012.

 

Sưu tầm (Ban CS-PL Tổng Liên đoàn)