Tăng lương hưu, NLĐ không muốn rút chế độ 1 lần

Đăng: 08:58 26-07-2024  |   Tác giả: Mạnh Cường  |   Nguồn: Báo Lao Động

(LĐO) Tăng lương hưu 15% từ ngày 1.7 đã trở thành động lực cho người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí.

Tăng lương hưu liên tục thôi thúc người lao động cố gắng có lương hưu. Ảnh: Hải Nguyễn.

Trước đây, chị Đinh Thị Bích Nguyệt (42 tuổi) - công nhân sản xuất giày da tại Nam Định - luôn nghĩ lương hưu nhận về rất ít ỏi vì chỉ tính bằng 45% tỉ lệ khi đóng bảo hiểm xã hội 20 năm. Vì lẽ đó, trong một khoảng thời gian dài, chị Nguyệt luôn có ý định rút  bảo hiểm xã hội 1 lần nếu nghỉ việc.

“Tôi đã làm việc, đóng bảo hiểm xã hội được 9 năm, sau 11 năm nữa về hưu dự kiến sẽ được 3 - 3,5 triệu đồng tiền lương hưu. Với mức lương hưu này tôi không chắc có thể đáp ứng được cuộc sống 11 năm sau khi mọi thứ ngày càng đắt đỏ?” - chị Nguyệt cho hay.

Chị Nguyệt cố gắng làm và đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, dạo gần đây sức khỏe suy yếu nên nhiều lần chị Nguyệt tự nhủ chỉ cố gắng làm vài năm nữa rồi nghỉ. Khi nghỉ việc, nữ công nhân dự định rút bảo hiểm xã hội 1 lần để gửi tiết kiệm lấy lãi chi tiêu hàng tháng.

Tuy nhiên, hiện tại, chị Nguyệt thay đổi hoàn toàn suy nghĩ khi lương hưu liên tục được Nhà nước điều chỉnh tăng lên. Gần đây nhất, lương hưu được tăng đến 15%, nữ công nhân đã hạ quyết tâm phải cố đóng đủ 20 năm mới nghỉ việc để hưởng lương hưu.

“Người thân của tôi 3 năm trước lương hưu được hưởng 3,5 triệu đồng, sau 1.7.2024 được tăng lên 4,5 triệu đồng/tháng. Sau này chắc hẳn còn tăng lên nhiều hơn” - chị Nguyệt cho hay.

Theo nữ công nhân, chính sách điều chỉnh tăng lương hưu của Nhà nước là rất thiết thực. Chính sách này khiến người lớn tuổi an tâm hơn trước các biến động giá cả của thị trường.

“Lương hưu tăng giúp ích rất nhiều. Cùng với đó, người có lương hưu còn được bảo hiểm y tế hỗ trợ khi ốm đau. Không có lương hưu là một điều thiệt thòi” - chị Nguyệt nói.

Vì thế, nữ công nhân đã tự nhủ phải cố làm việc, đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội. Thậm chí dù bị công ty cho nghỉ việc sớm khi sức khỏe suy yếu, nữ công nhân vẫn quyết tâm đóng bù bằng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Không chỉ người lao động đang làm việc mà những người đã nghỉ việc cũng cố gắng đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu khi đến tuổi. Trong đó, ông Nguyễn Văn Quang (52 tuổi, Thái Bình) là một ví dụ điển hình.

Ông Quang hiện tại đang đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này có lương hưu. Ảnh: NVCC.

Ông Quang đã nghỉ việc từ năm ngoái, tất cả những gì còn lại là cuốn sổ bảo hiểm với quãng thời gian 14 năm tham gia. Chính sách tăng lương hưu của Nhà nước thời gian gần đây đã thôi thúc ông cố gắng giữ lại để đóng đủ 20 năm chứ không rút một lần dù cuộc sống khá khó khăn.

“Tôi sẽ cố gắng đóng đủ 6 năm còn thiếu bằng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu không cố được thì đóng mức thấp hơn hoặc nhờ con cái đóng giúp để sau này có lương hưu cho tuổi già” - ông Quang cho hay.

Hiện tại, ông Quang đang làm bảo vệ cho nhà hàng gần nhà với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ hết các chi phí sinh hoạt, ông Quang còn lại 1,5 triệu đồng để dành. Số tiền này, ông Quang sẵn sàng trích ra 1 triệu đồng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chỉ giữ lại 500.000 đồng phòng thân.

“Về già có lương hưu là một niềm hạnh phúc. Khi đó, tôi vừa không trở thành gánh nặng cho con cái vừa có thể tự do làm những điều mình thích” - ông Quang cho hay.