Việt Nam - Điểm sáng về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội

Đăng: 15:35 09-10-2020  |   Tác giả: Vương Trần - Nguyễn Hoàng  |   Nguồn: Báo Lao động

LĐO - Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đề cập đến nội dung về kinh tế - xã hội, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định, trong 9 tháng đầu năm, tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Kết quả là, kinh tế vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng, tự hào đã đạt được, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện và có phương án điều chỉnh phù hợp để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là cân đối về ngân sách của năm 2020 sao cho khả thi, sát hợp nhất với thực tế tình hình từ đầu năm đến nay và dự báo 3 tháng cuối năm còn lại.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, Hội nghị nhất trí cho rằng, đất nước ta bước vào năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn so với 10 năm trước do tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khác so với trước, những khó khăn, thách thức đó đã bộc lộ trước Đại hội Đảng, chúng ta đã sớm chủ động nhận diện, kịp thời đề ra và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả; rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước mắt, cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế - xã hội thế giới cũng như trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021 - 2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.

Đặt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng con người.

Kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là thực hành tiết kiệm, lành mạnh hoá và bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: Trên cơ sở những kết quả, thành tích và bài học kinh nghiệm của năm 2020, tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế gắn với tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững.