Những nội dung mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) – P.I

Đăng: 09:08 06-11-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực từ 1/5/2013. Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 242 điều, tăng 19 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành (223 điều). Trang Thông tin điện tử Công đoàn TCT Hàng hải Việt Nam xin giới thiệu một số nội dung mới của Luật này.
 Chương I. Những quy định chung (gồm 8 điều, từ điều 1 đến điều 8)

Chương này cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Tuy nhiên, Chương I bổ sung thêm Điều 3 giải thích từ ngữ, trong đó đưa ra khái niệm vềquan hệ lao động “ là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động” (khoản 6 Điều 3) và Cưỡng bức lao động là “việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ” (khoản 10 Điều 3).

Một điểm mới trong Chương I là việc ghi nhận quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp, quyền gia nhập hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp của người sử dụng lao động; bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm cho phù hợp với các qui định của Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam đã phê chuẩn như cấm lao động cưỡng bức.

Chương II. Việc làm (6 điều từ Điều 9 đến Điều 14)

Quy định về việc làm, giải quyết việc làm, quyền làm việc của người lao động, quyền tuyển chọn lao động của người sử dụng lao động, chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển việc làm và tổ chức dịch vụ việc làm. Điểm mới của chương này là bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia giải quyết việc làm

Chương III. Hợp đồng lao động

Chương III có 5 mục 44 điều (từ điều 15 đến điều 58)

Về mức thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn Điểm b, khoản 1, Điều 22 quy định: “Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.”.

Chương III đã quy định cụ thể những hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi gia kết, thực hiện hợp đồng lao động; các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; cụ thể hoá cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; bỏ Quỹ dự phòng mất việc làm.

Một điểm mới nữa trong Chương III là việc qui định tăng mức tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc “ít nhất phải bằng 85% ” so với 70% của qui định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Một điểm mới quan trọng của Chương III là bổ sung 1 mục mới (Mục V) về lao động cho thuê để điều chỉnh hoạt động này đã diễn ra thực tế.

Chương V. Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể

Chương này có 5 mục, 27 điều, từ điều 63 đến điều 89.

Chương này được sửa đổi theo hướng: quy định cụ thể hơn về tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, tại nơi làm việc để bảo đảm quá trình thực hiện đối thoại, thương lượng, đồng thời cũng làm căn cứ để Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã; thúc đẩy và phát huy tối đa sự thoả thuận, thương lượng để xác lập điều kiện lao động mới .

Điểm mới đáng quan tâm của Chương V là việc bổ sung một mục riêng về đối thoại tại nơi làm việc. Khoản 2 và khoản 3 Điều 63 quy định về mục đích và hình thức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“2. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động và bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở sở.

3. Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp, tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ”.

Chương V bổ sung một mục riêng về Thương lượng tập thể, trong đó quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, quy trình thương lượng tập thể; không quy định cứng nhắc về nội dung của thỏa ước lao động tập thể.

Đặc biệt, Chương V đã quy định 1 mục mới (Mục IV) về thỏa ước lao động tập thể ngành để thiết lập và thống nhất hóa những tiêu chuẩn lao động và trách nhiệm xã hội chủ yếu, cải thiện những điều kiện lao động có thể áp dụng chung trong ngành, đặc biệt là thương lượng và thỏa thuận về mức lương tối thiểu ngành mà Chính phủ không qui định. Nếu có thỏa ước ngành, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải áp dụng và chỉ khi có điều kiện thuận lợi hơn mới cần thương lượng và ký thỏa thuận doanh nghiệp.

Chương VI. Tiền lương (14 điều, từ Điều 90 đến Điều 103)

Những sửa đổi của chương này dựa trên các nguyên tắc như Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà Người sử dụng lao động phải trả người lao động; bình đẳng về tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp…

Chương VI quy định rõ các loại mức lương tối thiểu gồm: “Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành” (Điều 91); quy định các yếu tố xác định mức lương tối thiểu: “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế – xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động”(Điều 91).

Đặc biệt, Chương VI bỏ quy định yêu cầu người sử dụng lao động phải đăng ký  thang, bảng lương, thay bằng sao gửi cho cơ quan, tổ chức có liên quan. Thang lương, bản lương, định mức lao động do các doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành theo nguyên tắc qui định của Chính phủ.

Một điểm mới trong Chương VI là việc quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia: “Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương” (Khoản 1, Điều 92)

Chương VI làm rõ mức lương làm thêm giờ vào ngày lễ là chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có lương đối với người lao động hưởng lương ngày; qui định tăng mức lương làm thêm giờ vào ban đêm: “ Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.” (Khoản 3 Điều 97).

Chương VII. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Chương này có 4 mục 14 điều, từ Điều 104 đến Điều 117. Một số điểm mới của chương này là qui định thay đổi cách tính thời giờ làm thêm từ  theo năm sang theo tháng và quy định thời gian làm thêm:

“Điều 106. Làm thêm giờ

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a. Được sự đồng ý của người lao động;

b. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 01 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

Chương VII qui định tăng thời gian nghỉ tết cổ truyền từ 4 ngày lên 5 ngày; bổ sung quy định để người lao động được nghỉ trong một số trường hợp cụ thể như bố, mẹ hoặc anh, chị em ruột chết: “Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn (2 Điều 116).

(Còn tiếp)