Cần linh hoạt tổ chức các khóa học với nội dung, thời lượng thích hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường

Đăng: 08:13 15-11-2022  |   Tác giả: Chu Linh  |   Nguồn: Công đoàn TCT

Đây là ý kiến thống nhất của đa số các đại biểu tham dự Hội thảo về chương trình đào tạo các khóa học dài hạn và ngắn hạn của Dự án Nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam (VSUP) do Văn phòng Dự án tổ chức vào ngày 10 tháng 11 năm 2022 tại Hải Phòng.
Toàn cảnh Hội thảo

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh và ông Ishino Junya - Trưởng đại diện Văn phòng Dự án đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo là đại diện lãnh đạo, phòng Thuyền viên, phòng Đào tạo hoặc phòng Tổ chức nhân sự các công ty vận tải biển, cung ứng thuyền viên; đại diện giảng viên các khoa Máy, khoa Hàng hải, Đại học Hàng hải Việt Nam và một số giáo viên hiện đang tham gia giảng dạy tại Dự án.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao những lợi ích mà các khóa học của Dự án mang lại cho doanh nghiệp, đặc biệt là cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên khi các nội dung đào tạo rất thiết thực, được cập nhật thường xuyên những kiến thức chuyên ngành mới với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết. Tuy nhiên, có một số khóa học ngắn hạn không còn phù hợp với thực tiễn, không thu hút được sự quan tâm của công ty tiến cử thuyền viên nên đã được đề nghị cắt bỏ và thay vào đó là đề xuất mở một số khóa học mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian trước mắt. Đó là khóa huấn luyện tàu chở hạt rời, khóa học về các hệ thống khí nén & thủy lực và khóa tiện, khóa huấn luyện làm hàng nguy hiểm và hàng quá khổ, khóa học cho bộ phận cấp dưỡng, khóa học máy chính, các khóa học cho nhóm đối tượng quản lý, vận hành… Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có sự phân loại trình độ của học viên để có chương trình học phù hợp cho mỗi nhóm đối tượng mới đảm bảo chất lượng đào tạo đối với ngành nghề hết sức đặc thù này.

Đại diện Trường Đại học Hàng hải phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Đại diện Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm chính về chương trình đào tạo của Dự án và đã có hơn 20 năm đồng hành cùng Dự án đánh giá cao hiệu quả của Dự án; đồng thời cam kết trên cơ sở lắng nghe ý kiến góp ý từ các đại biểu, trong thời gian tới, Trường sẽ cùng với Văn phòng Dự án rà soát, nghiên cứu điều chỉnh nội dung, chương trình, thời lượng, phương thức đào tạo các khóa học phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Lê Phan Linh phát biểu kết luận

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Lê Phan Linh ghi nhận và cám ơn những ý kiến đóng góp hết sức quý báu của các đại biểu cho Dự án. Ông khẳng định: Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Văn phòng Dự án xây dựng các phương án điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo trình Ban Quản lý Dự án phê duyệt kế hoạch đào tạo năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025. Ông Lê Phan Linh cũng đề nghị các đơn vị vận tải biển và cung ứng thuyền viên đồng hành tích cực, trách nhiệm hơn nữa với Dự án, đặc biệt là trong việc tiến cử học viên tham gia các khóa học của Dự án đúng thành phần, số lượng và đảm bảo chất lượng học cho các em.

Dự kiến vào tháng 1 năm 2023 tại Việt Nam, Ban Quản lý Dự án sẽ thực hiện ký gia hạn giai đoạn tiếp theo 2023 - 2025 với đại diện các thành phần tham dự gồm có: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công đoàn Thủy thủ Nhật Bản, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội thuyền viên quốc tế Nhật Bản và một số doanh nghiệp vận tải biển Nhật Bản./.