Người vui sau cùng trên chuyến xe đưa thuyền viên trở về nhà

Đăng: 10:22 17-08-2021  |   Tác giả:   |   Nguồn: https://cuocsongantoan.vn/

“Tàu cập cảng an toàn, thuyền viên về nhà an toàn, tôi mới yên tâm, nhẹ nhõm về với gia đình” – ông Lê Ngọc Quynh – Thuyền trưởng tàu Vinaship Star chia sẻ.

Được trở về nhà sau mỗi chuyến đi xa là mong muốn của rất nhiều người. Với thuyền viên, điều giản dị ấy càng có ý nghĩa hơn sau gần một năm trời không được đi bờ vì Covid-19. Hạnh phúc đối với họ khó nói hết thành lời.

Tàu Vinaship Star do ông Lê Ngọc Quynh làm thuyền trưởng đã cập cảng, đưa thuyền viên hết hạn hợp đồng về nước cách ly tập trung

Ông Lê Ngọc Quynh – Thuyền trưởng tàu Vinaship Star kể, vừa rồi có 11 thuyền viên được rời tàu do hết hạn hợp đồng. Mỗi người một quê khác nhau: Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh… Tàu xuất phát từ Việt Nam hồi tháng 10/2020, đến nay đã gần một năm. Có lẽ, đây là chuyến đi khó khăn và nguy hiểm nhất mà anh em thuyền viên phải trải qua.

“Khi chưa có dịch, tàu cập cảng là anh em được đi bờ. Nếu cập cảng Việt Nam, anh em có thể tranh thủ về thăm gia đình. Nhưng hiện nay, ngay cả về Việt Nam, anh em cũng không thể lên bờ được do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19” – ông Lê Ngọc Quynh chia sẻ.

Gần một năm qua, tàu do ông chỉ huy đã đi qua hơn 10 bến cảng các nước. Điều ông lo lắng nhất đó là trong quá trình tàu cập cảng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất dễ xảy ra. Ở các quốc gia phát triển, thủ tục đối với tàu rất nhanh gọn, đơn giản và giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Á, thủ tục còn phức tạp và tần suất tiếp xúc nhiều.

“Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất là khâu làm thủ tục. Các nước phát triển quy định chỉ có đại lý lên tàu làm thủ tục. Tại Philippines, quy định phòng, chống dịch tương đối chặt chẽ nên anh em yên tâm hơn. Theo quy định, chỉ có đại lý được xuống tàu làm thủ tục. Quốc gia này cũng cấm người trên bờ xuống tàu và người trên tàu lên bờ. Trong quá trình làm việc, đại lý luôn mặc trang phục phòng hộ và khử khuẩn, đo thân nhiệt. Còn ở Indonesia, có nhiều lực lượng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch quốc tế lên tàu làm thủ tục. Công nhân cũng lên tàu để làm hàng nhưng chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch. Trong khi đó, thuyền viên của tàu chưa được tiêm vắc xin nên tôi không khỏi lo lắng”.

Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ông Quynh cho biết, Ban chỉ huy tàu luôn yêu cầu thuyền viên tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch khi tàu cập cảng. Ban chỉ huy tàu nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh tại khu vực tàu cập cảng thông qua đại lý. Mặc dù cảng vụ cam kết khu vực tàu neo đỗ không có ca lây nhiễm nhưng tàu vẫn luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ban chỉ huy tàu luôn nhắc nhở thuyền viên thực hiện nghiêm quy tắc 5K khi tiếp xúc với hoa tiêu, công nhân cảng, không lơ là, chủ quan.

Tàu cũng tạo lối lên riêng cho công nhân làm hàng đảm bảo khoảng cách. Nhờ tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch nên đến nay chưa có thuyền viên nào của tàu trở thành F0, F1.

Bên cạnh khó khăn về công tác phòng, chống dịch, việc lo bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho thuyền viên thời đại dịch Covid-19 cũng không dễ dàng. Nếu không có dịch bệnh, nguồn thực phẩm cho bữa ăn của thuyền viên luôn tươi ngon hơn. Nhưng do dịch bệnh, thuyền viên không được đi bờ mua thực phẩm, cộng thêm giá cả tăng cao nên mua sắm càng trở nên khó khăn.

“Có một lần, tàu lên kế hoạch đến Philippines rồi trở về Việt Nam lấy hàng tiếp. Thời gian dự kiến tàu đi trong khoảng 25 – 27 ngày. Nhưng khi sang đến Philippines, kế hoạch thay đổi. Tàu không về Việt Nam mà tiếp tục đi Indonesia, sau đó qua Brunei. Lượng thực phẩm chuẩn bị ban đầu không đủ cho những ngày sau đó. Tàu phải nhờ đại lý tìm mua thực phẩm để “cầm cự”, đợi đến cảng tiếp theo nữa sẽ mua bổ sung. Nhưng tàu chỉ cập cảng có 4 ngày, mà hết ngày thứ 2 vẫn chưa có nguồn cung cấp. May mắn là, cuối cùng đại lý cũng tìm mua được. Về chủng loại chỉ có chút thịt lợn, thịt gà, cá, tôm với số lượng không nhiều nhưng đó cũng là điều may mắn – ông Quynh kể.

Theo Công ước Lao động hàng hải 2006 (MLC 2006), bữa ăn thuyền viên phải đảm bảo hàm lượng calo theo tiêu chuẩn nhất định. Nhưng trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, thực đơn không đa dạng như trước. Khi đến cảng tiếp theo, tàu cố gắng khắc phục nhưng do dịch bệnh nên cũng không mua được nhiều, khó cải thiện bữa ăn cho thuyền viên.

“Trên một con tàu, có 20 – 24 thuyền viên từ các địa phương khác nhau. Mỗi người có một cá tính khác nhau. Có người lớn tuổi, người vừa mới đi tàu… Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tâm lý anh em không khỏi lo lắng. Nên ngoài việc lo đời sống vật chất thì điều khó nhất là ổn định tâm lý thuyền viên. May mắn là anh em đều chấp hành các quy định về phòng, chống dịch cũng như có ý thức bảo vệ mình nên tàu đã có một hành trình an toàn” – ông Lê Ngọc Quynh nói.

Vianship Star là con tàu thứ ba mà ông Quynh làm thuyền trưởng. Ông cho rằng, vận tải biển những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhưng đây vẫn là một công việc ổn định với ai yêu nghề.

Thuyền trưởng Lê Ngọc Quynh (hàng đầu, gần ô tô) cùng thuyền viên tàu Vinaship Star trở về nhà khi hết hạn cách ly

Trên chuyến xe đưa thuyền viên tàu Vinaship Star về nhà khi hết hạn cách ly, ông là người cuối cùng vui mừng. Chỉ khi tất cả thuyền viên về cách ly tại nhà an toàn, ông mới thực sự nhẹ nhõm. “Tàu cập cảng, mọi người về nhà an toàn, khỏe mạnh, thuyền trưởng mới làm tròn vai trò của mình. Về nhà, thuyền viên phấn khởi, nhắn tin thông báo tình hình, lúc đó tôi mới trở về với niềm vui của mình” – ông Quynh cho biết.

Với ông Quynh, lần này trở về nhà, các con không khỏi ngạc nhiên.

Những lần trước, chỉ 2 – 3 tháng tôi về thăm nhà. Lần này, các con nói bố đi lâu quá. Được trở về nhà thời dịch bệnh đúng là điều tuyệt vời nhất, với tôi và những người đi biển” – ông Quynh tâm sự.