Giải pháp về sử dụng nguồn vốn cho Dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2

Đăng: 10:37 18-07-2017  |   Tác giả: Lan Vũ  |   Nguồn: Công đoàn Tổng công ty

Vào khoảng đầu năm 2015 khi câu chuyện Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng từ chối vay vốn ODA cho Dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã làm dấy lên nhiều bất ngờ và tranh cãi cả kể về phía thành phố Đà Nẵng cũng như Bộ Giao thông Vận tải.

Nhiều người tiếc nuối vì doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận vốn vay giá rẻ, luồng ý kiến khác lại cho rằng, đó là quyết định dũng cảm của Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay, khi vốn vay ODA thường có những ràng buộc, điều kiện nhất định.

Và thực tế, sau hơn 1 năm chuẩn bị, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đã hiện thực hóa tuyên bố của mình bằng lễ khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 vào ngày 31/7/2016. Và đến ngày hôm nay, khi tiếp nhận hồ sơ của Công đoàn Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đề nghị xét tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho cá nhân đồng chí Nguyễn Hữu Sia - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng với giải pháp sáng kiến “Sử dụng nguồn vốn trong nước thay vì sử dụng vốn ODA để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2”, sau khi Dự án đã đi vào triển khai thực hiện được 1 năm, chúng ta có thể khẳng định rằng, Dự án đã thành công và đây chính là minh chứng thuyết phục nhất cho hành động dám nghĩ, dám làm, là cách làm ăn thật của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập hiện nay.


Cảng Đà Nẵng đón tấn hàng đầu năm 2016

Đi từ thực trạng…

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn 1 được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2007 đã phát huy hiệu quả, góp phần làm tăng khối lượng thông qua Cảng Đà Nẵng trong những năm vừa qua, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Qua đó, sản lượng hàng thông qua Cảng Đà Nẵng có sự tăng trưởng tốt, trong 10 năm (2006 - 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân của Cảng Đà Nẵng là 11,86%/năm, trong đó hàng container tăng trưởng bình quân 24,04%/năm. Dự án đã giúp Cảng Đà Nẵng hưởng lợi từ phần hạ tầng được đầu tư bên ngoài Cảng như đường Ngô Quyền, cầu Tuyên Sơn… và làm được 1 đê chắn sóng giúp Cảng Đà Nẵng có thể khai thác tàu hàng cập bến quanh năm.

Tuy nhiên, việc vay vốn ODA bằng đồng Yên Nhật để hoàn thành Dự án đã ảnh hưởng lớn đến công tác SXKD của Cảng khi tỷ giá đồng Yên liên tục tăng cao trong những năm vừa qua. Xét về hiệu quả đầu tư so với chi phí bỏ ra thì Dự án chưa thực sự phù hợp do suất đầu tư quá lớn. Từ khi nhận nguồn vốn vay, Cảng Đà Nẵng ngoài việc trả nợ vay còn phải chịu áp lực rất lớn do chênh lệch tỷ giá. Điều này đã làm cho tình hình tài chính của Cảng bị bóp méo, hàng năm Cảng phải dự phòng nguồn tài chính để bổ sung vào phần chênh lệch tỷ giá và Cảng không thể đầu tư các hạng mục lớn vào những năm sau đó.


Toàn cảnh Cảng Tiên Sa

Từ năm 2015, công suất khai thác của Cảng Đà Nẵng đã bắt đầu đến ngưỡng, diện tích kho bãi không đủ đáp ứng yêu cầu, hạ tầng cầu cảng cũng cần được sửa chữa và đầu tư mới. Phương tiện thiết bị đã hoạt động hết công suất. Do đó, Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Đà Nẵng giai đoạn 2 đã được xem xét đầu tư để đáp ứng nhu cầu khai thác và sẽ phù hợp hơn khi được đầu tư vào đúng thời điểm hiện tại. Ban đầu, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận về chủ trương và nghiên cứu sử dụng nguồn vốn ODA cho Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng (chưa bao gồm phần thiết bị); trong đó đầu tư 1 bến cho tàu container 50.000 DWT và 1 bến cho tàu 20.000 DWT với năng lực thông qua khoảng 450.000 TEUs/năm.

Sau khi Cảng Đà Nẵng phân tích và điều chỉnh các hạng mục đầu tư của Dự án, trong đó tập trung giảm các hạng mục mà Cảng đã có và có thể tận dụng lại được, phân kỳ đầu tư với phần cầu cảng và thiết bị được ưu tiên làm trước. Phần bãi phía sau cầu cảng sẽ được làm sau, cùng với việc tiết kiệm các phần khác thì gói Dự án được điều chỉnh xuống còn khoảng 1.000 tỷ đồng. Với mức đầu tư như thế thì Cảng có thể tự thực hiện được từ 3 nguồn tài chính là vốn tự có 36% tổng mức đầu tư, vốn vay 31% và vốn huy động do phát hành trái phiếu, cổ phiếu là 33%.


Đồng chí Nguyễn Hữu Sia - Tổng giám đốc CTCP Cảng Đà Nẵng

Đến lời hứa trách nhiệm

Còn nhớ khi câu chuyện về Cảng Đà Nẵng từ chối vay vốn ODA cho Dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được đồng loạt đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kèm theo đó là lời hứa, khẳng định mạnh mẽ của đồng chí Nguyễn Hữu Sia - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng: "Tôi dũng cảm để nói rằng, tôi theo đuổi Dự án này mà nếu để thiếu vốn, không làm được thì tôi sẽ từ chức". Đồng chí cũng cho biết thêm: So với ban đầu khi Dự án còn định sử dụng nguồn vốn ODA, tiến độ của Dự án có thay đổi trong khi tổng vốn đầu tư vẫn giữ nguyên.

Cụ thể, theo dự kiến ban đầu, năm 2017, Dự án mới được đầu tư và cuối năm 2019 mới khánh thành. Tuy nhiên, sau khi tuyên bố tự thu xếp vốn, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã quyết định khởi công Dự án vào tháng 7 năm 2016 và dự kiến đến tháng 3 năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dù quyết định khởi công sớm hơn dự định nhưng tổng mức đầu tư Dự án vẫn không thay đổi. Dự án cũng bao gồm việc xây dựng 2 cầu tàu. Cầu tàu thứ nhất dài 310m, độ sâu khu nước 14m, có khả năng tiếp nhận tàu container tải trọng 50.000 DWT và tàu hàng 50.000 DWT. Cầu tàu thứ hai dài 210m, độ sâu khu nước 12m, cho phép tiếp nhận tàu container, tàu hàng tải trọng 20.000 DWT. Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư hai cẩu QCC và tiếp tục nâng cấp bãi Tiên Sa để nâng năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Tiên Sa lên 12-14 triệu tấn, trong đó công suất container đạt khoảng 950.000 TEUs, gấp 3 lần hiện nay. Dự kiến khi hoàn thành sẽ kết hợp với hệ thống kho bãi có sẵn tại xí nghiệp và các công ty thành viên, nâng tổng diện tích Cảng lên gần 31 ha; đồng thời góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng để Cảng Tiên Sa trở thành cảng container hiện đại trong khu vực.


Lễ khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2

Việc từ bỏ vốn vay ODA, tự đầu tư Dự án giúp Cảng chủ động được nguồn tài chính sẽ chi trả trong tương lai, Dự án sẽ được phân kỳ phù hợp với nhu cầu khai thác của Cảng và trên hết là không chịu ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ, giúp giảm một phần nợ nước ngoài. Việc sử dụng nguồn vốn ODA buộc phải thực hiện các hạng mục đồng bộ được xây dựng mới, trong khi nếu sử dụng nguồn vốn tự huy động thì có một số hạng mục sẽ được Cảng Đà Nẵng tận dụng lại như văn phòng, xưởng sửa chữa… Với 3 hạng mục chính được tính như trên thì giá trị làm lợi cho Dự án là hơn 261 tỷ đồng. Trong đó riêng khoản chênh lệch tỷ giá với kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn ODA trong Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Tiên Sa - Đà Nẵng giai đoạn 1 thì chênh lệch tỷ giá tính quy đổi ra lãi vay trên nguồn vốn bình quân của 10 năm (2006 – 2016) là 19% và khi sử dụng vốn tự có thì dự kiến Dự án sẽ được hoàn thành trước 01 năm so với sử dụng vốn vay ODA. Dự án cũng đảm bảo cho quy hoạch tổng thể phát triển giao thông Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng; góp phần xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành cảng trung chuyển quốc tế có tầm ảnh hưởng đến khu vực Asean và châu Á./.