Đăng: 16:59 17-04-2023 | Tác giả: Lương Hạnh | Nguồn: Báo Lao Động
Nhiều hạn chế, vướng mắc
Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm.
Ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng Chính sách việc làm, Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH - cho biết: Tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã cho thấy, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc. Đặc biệt, có sáu điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Trong đó, chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên việc quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.
Một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong luật.
Quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng, trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung.
Chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ người lao động trong già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức.
Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.
Chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc.
Chưa có các quy định liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
Sự tham gia của các bên (Nhà nước, cơ sở đào tạo người lao động, người sử dụng lao động) cũng như quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định.
Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa cụ thể.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Bên cạnh những điểm nghẽn trên, quá trình triển khai cho thấy, bộ luật vẫn còn các hạn chế vướng mắc khi chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm.
Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88, một số nhiệm vụ chưa được quy định trong luật, nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng.
Quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng, quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận, đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa có.
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp;
Quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.
Trước hết là quản lý lực lượng lao động, tiếp nữa là vấn đề già hóa dân số; chính thức hóa việc làm phi chính thức. Cuối cùng là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.