Đăng: 09:20 14-03-2023 | Tác giả: Mạnh Cường | Nguồn: Báo Lao Động
Anh Nguyễn Ngọc Nguyên (28 tuổi) - công nhân may tại Nam Định hiện có mức lương tối thiểu vùng là 3.640.000 đồng/tháng.
Mặc dù sinh sống và làm việc ở miền quê nhưng theo anh mức lương này vẫn chưa phải là cao. Bất cập thấy rõ mỗi khi chỉ làm giờ hành chính hoặc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Lương tối thiểu vùng quyết định rất lớn khi anh Nguyên chỉ làm 8 tiếng/ngày hoặc năng suất chưa vượt mức khoán.
Anh Nguyên cho rằng mức lương tối thiểu vùng ở quê hiện tại đang khá thấp và muốn tăng lên bằng với khu vực thành phố. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồng thời, khi hưởng các chế độ ốm đau, nghỉ ở nhà hay nằm viện tính ra mỗi ngày chỉ nhận được hơn 100.000 đồng. Những lúc đó anh Nguyên chỉ biết ước lương tối thiểu thật cao để cuộc sống đỡ chật vật.
Lương thực tế nam công nhân nhận khoảng 11 triệu đồng/tháng gồm lương tối thiểu vùng, tiền hỗ trợ chuyên cần, xăng xe, tiền trách nhiệm công việc và một số khoản phụ cấp khác.
Những ngày đều việc thì tổng lương như trên giúp gia đình 4 thành viên của anh đảm bảo một cuộc sống tạm đủ ở quê hương.
Kỳ vọng tăng lương tối thiểu trong thời gian tới, anh Nguyên mong muốn tăng ít nhất bằng với khu vực thành phố, tức 4.160.000 đồng/tháng.
Khoản thu nhập này sẽ gánh đỡ rất nhiều nếu công ty ít việc, ốm đau hoặc tháng nào có nhiều ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Chị Phạm Thị Ngọc (29 tuổi) làm việc tại Thái Nguyên đang được hưởng mức lương tối thiểu vùng 4.160.000 đồng.
Mặc dù là tỉnh lẻ nhưng chị Ngọc vẫn thấy mức lương này còn khá thấp, nhất là với người đã làm việc lâu năm và đang hưởng các chế độ từ bảo hiểm xã hội như chị.
Chị Ngọc cho biết, vì công ty nằm ở thị xã nên mọi chi tiêu tương đối đắt đỏ. Chị hiện đang hưởng chế độ con nhỏ, làm 5 ngày 1 tuần do đó tiền năng suất từ công việc không có nhiều.
Thường xuyên ốm đau do thể trạng yếu nên chị Ngọc thấy rõ được hạn chế từ lương tối thiểu vùng mang lại.
Tổng lương của chị hiện nay hơn 9 triệu đồng/tháng. Số tiền này được tính dựa trên lương tối thiểu vùng và các phụ cấp cũng như năng suất công việc.
Thu nhập không nhiều nên chị đã quyết định làm thêm một công việc tự do bán thời gian khác mỗi khi rảnh rỗi.
Chị Ngọc cho rằng, công ty không nên dựa theo mức lương tối thiểu vùng Nhà nước đưa ra mà cần có cơ chế linh hoạt theo từng nhóm công nhân.
Đặc biệt là những công nhân làm lâu năm nên tăng lương tối thiểu vùng trên mức quy định ít nhất 5% mỗi lần điều chỉnh. Và để đáp lại đãi ngộ đặc biệt này, chị và các công nhân chắc chắn sẽ làm việc tốt hơn trước rất nhiều.
Ở phương diện là người sử dụng lao động, anh Nguyễn Văn Tuấn - một chủ doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn Nam Định cho rằng, mức lương tối thiểu hiện tại ở các huyện vùng quê là cân đối.
Chi phí phát sinh trong công ty của anh không ảnh hưởng nhiều mỗi khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu.
Bởi trước khi thành lập doanh nghiệp, anh cũng từng làm công nhân nên hiểu rõ người lao động thực sự muốn gì. Vì thế, công ty anh không áp dụng tính lương cho công nhân theo lương tối thiểu vùng mà tính dựa trên tay nghề thực tế.
Ngoài ra, anh cũng thường xuyên thưởng cho những công nhân có thành tích xuất sắc trong công việc.
"Thông thường, lương thực nhận hằng tháng của công nhân tại công ty tôi luôn cao hơn từ 1,5 đến 3 lần so với lương tối thiểu tùy tay nghề và thái độ làm việc của từng công nhân" - anh Tuấn cho hay.