Đăng: 11:06 14-07-2020 | Tác giả: | Nguồn: https://cuocsongantoan.vn
Anh Trần Hữu Dũng (thứ tư từ trái sang) nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2020. Ảnh: CĐ
Để thỏa mãn khát khao tìm hiểu về biển cả và nghề thủy thủ, anh Trần Hữu Dũng (sinh năm 1975, quê ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã chọn ngành hàng hải.
“Quá trình phấn đấu của một thuyền viên từ khi bắt đầu vào nghề đến khi đạt được các chức danh cao nhất trên tàu như thuyền trưởng hay máy trưởng đều phải phấn đấu từng bậc, từng bậc một” - anh Trần Hữu Dũng chia sẻ.
Ai cũng trải qua quá trình thực tập kéo dài nửa năm. Vượt qua thử thách đầu tiên sẽ được lên thợ máy hoặc thủy thủ chính thức. Tất cả các thuyền viên trong quá trình làm việc đều phải trải qua các bước đánh giá của tàu, của công ty và vượt qua các cuộc thi để từng bước trở thành sỹ quan vận hành, rồi sỹ quan quản lý.
Chính quyền cảng biển nước ngoài làm việc với Ban chỉ huy tàu
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, VOSCO đã là một trong những doanh nghiệp có uy tín trong cả nước và quốc tế về sở hữu nguồn nhân lực sỹ quan, thuyền viên chất lượng cao. Bằng những tiêu chuẩn lựa chọn nghiêm ngặt về việc thi nâng bậc, thi lên các chức danh trên tàu, đội ngũ sỹ quan, thuyền viên của VOSCO luôn nhận được không ít lời mời gọi của các doanh nghiệp khác. Nhưng anh Trần Hữu Dũng vẫn chọn ở lại với VOSCO - nơi đầu tiên anh đặt chân vào ngành hàng hải. Tại đây, anh trở thành máy trưởng vào năm 2010.
Nghề đi biển thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Công việc đặc thù, ngoài trời, nặng nhọc, chịu ảnh hưởng của sóng, gió đòi hỏi thuyền viên phải có sức khỏe “đặc biệt” mới chịu được sự khắc nghiệt của biển khơi. Việc kiểm tra sức khỏe của sỹ quan thuyền viên cũng hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế uy tín.
Nhịp sinh học của con người có khoảng thời gian thức và ngủ. Nhưng con tàu thì vận hành 24/24h. Do vậy, mặc dù thời gian làm việc chính thức của sỹ quan, thuyền viên quy định là 8 tiếng/ngày nhưng luôn có thời gian lao động ngoài giờ theo 3 ca liên tục. Bất kể chức danh nào trên tàu cũng đều tham gia các công việc ngoài giờ khi tàu cập cầu, cập bến, giao nhận hàng hóa, tiếp nhiên liệu…
Điều khiển máy chính từ xa (trên buồng lái)
Anh Trần Hữu Dũng đã làm việc trên nhiều loại tàu của VOSCO như tàu rời hàng khô, tàu dầu, tàu container.
“Cũng như con người, tàu... khỏe theo tuổi. Tuổi càng cao, tàu càng cũ nát già yếu. Mỗi loại tàu có tính chất đặc thù khác nhau mà người máy trưởng phải hiểu rõ “tính nết” của mỗi loại tàu” - anh Trần Hữu Dũng cho biết.
Anh kể, tàu container (còn gọi là tàu hàng chợ) có yêu cầu chuẩn mực về mặt thời gian đầu bến và cập bến. Đội ngũ vận hành từ cấp trưởng phải đảm bảo bộ phận mình vận hành đúng quy trình để tàu vào điểm hẹn đúng yêu cầu khai thác của công ty. Tàu dầu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nên sỹ quan, thuyền viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đảm bảo an toàn. Tàu hàng tuy phải đảm bảo tuân thủ mọi điều luật về an toàn hàng hàng hóa và con người nhưng thời gian có phần linh hoạt hơn.
Tàu VOSCO SUNRISE vận hành trên biển
“Xích lô nước” là cách gọi mà các sỹ quan thuyền viên hay đùa vui với nhau về những con tàu vận tải trên biển. Có khác là, tàu biển phải tuân theo những quy định quản lý chặt chẽ của doanh nghiệp và khuôn khổ pháp lý của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Công việc của thuyền trưởng rất áp lực vì phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của con tàu trước công ty, là người đại diện cho tàu tiếp xúc và chịu trách nhiệm thi hành luật pháp quốc tế. Còn công việc của máy trưởng cũng áp lực không kém vì phải chịu toàn bộ trách nhiệm về khâu quản lý kỹ thuật trên con tàu nhằm đảm bảo an toàn cho con người, hàng hóa và phương tiện, đảm bảo khai thác vận chuyển đạt hiệu quả cao nhất.
Áp lực lớn nhất là khi gặp những sự cố lớn liên quan đến vận hành và khai thác tàu. Việc xử lý các sự cố tức thời cần kinh nghiệm, kỹ năng của người máy trưởng và sự hỗ trợ của thuyền viên.
Nhiều pha ‘khó” về kỹ thuật, anh Dũng và đồng nghiệp đã vượt qua. Trong hành trình hơn 20 năm vượt sóng gió để đưa những con tàu vận hành an toàn, hiệu quả, anh Dũng và đồng đội đã trải qua không ít thử thách và tình huống nguy hiểm trên biển. Những câu chuyện “thoát hiểm” của anh và đồng đội có thể viết thành một cuốn sách dày.
Đồng chí Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thăm hỏi, động viên sỹ quan thuyền viên của Công ty VOSCO
Những phút thảnh thơi, anh Trần Hữu Dũng dành thời gian ngắm biển. Với anh, biển đáng yêu khi phẳng lặng, dịu êm, được ánh trăng dát vàng, dát bạc. Biển đáng ghét khi dữ dằn, nổi sóng khiến người thủy thủ vật vã, nôn nao. Đi biển nhiều, anh Dũng yêu thích nhất là Thái Bình Dương vì hiền hòa hơn những biển khác. Nguy hiểm nhất khi con tàu chạm mũi Đại Tây Dương, nhất là mũi Hảo Vọng (vùng biển Nam Phi), vùng biển Tây Phi, eo biển Malacca, vùng biển Singapaore là những khu vực đã xuất hiện tình trạng cướp biển.
“Đời thủy thủ coi biển là nhà, nên nhiều người muộn mằn lập gia đình. Có gia đình cũng không chăm lo được vì biền biệt đi biển và đầu tư thời gian phát triển sự nghiệp. Để giữ “lửa nghề”, các sỹ quan thuyền viên phải vượt qua được những thử thách tâm lý khi xa gia đình. Không ít thuyền viên phải trải qua những mất mát vô hình không dễ gì thổ lộ” - anh Trần Hữu Dũng chia sẻ.
Vượt lên tất cả, anh Dũng đã luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Từ tháng 12/2018 đến tháng 11/2019, anh Trần Hữu Dũng nhận nhiệm vụ máy trưởng tàu VOSCO SUNRISE (trọng tải 56.472 DWT). Anh luôn nỗ lực cùng đội ngũ thuyền viên quản lý và vận hành tàu hiệu quả an toàn, đóng góp vào thành tích sản xuất kinh doanh của công ty. Tàu thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng tốt máy móc, trang thiết bị phương tiện nên có số ngày vận doanh cao và được đánh giá các mặt quản lý kỹ thuật, hàng hải, vật tư, khai thác đạt xuất sắc.
Anh đã có sáng kiến “Hoán cải hệ thống điều khiển nâng hạ cầu thang hoa tiêu tàu VOSCO SUNRISE”. Sau thời gian hoạt động, các thiết bị bằng nhôm đều bị mục và hỏng không thể điều khiển nâng hạ cầu thang hoa tiêu. Tàu đã phải thực hiện nâng hạ bằng quay tay. Nếu cấp mới các thiết bị chính hãng để khôi phục lại hệ thống nâng hạ thì chỉ tính riêng chi phí phụ tùng đã lên tới 180.000.000 đồng. Nhưng tuổi thọ sẽ không dài do ở môi trường nước biển cùng chi phí sửa chữa và thay thế cao.
Sau khi nghiên cứu và khảo sát, anh Dũng cho rằng hoàn toàn có thể thay thế thiết bị nguyên bản bị hỏng bằng các thiết bị có chức năng tương tự nhưng có sẵn trên thị trường. Khi tàu cập bến, anh đã yêu cầu đơn vị sửa chữa khảo sát thực tế và thị trường, lập phương án cung cấp thiết bị phù hợp và lắp đặt dưới sự giám sát của máy trưởng. Sau khi lắp hoàn thiện, tàu thử hệ thống nâng hạ cả hai cầu thang hoa tiêu mạn trái, mạn phải hoạt động tốt và duy trì bình thường cho đến nay. Sáng kiến có giá trị làm lợi 148 triệu đồng và nếu có hư hỏng sẽ được thay thế đơn giản với chi phí thấp trong thời gian khai thác sau này.
Anh Trần Hữu Dũng (thứ sáu từ trái sang) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Theo đồng chí Phạm Gia Hiến - Chủ tịch Công đoàn Công ty VOSCO: “Máy trưởng Trần Hữu Dũng là một người luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao; có ý thức trong việc học hỏi, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân và sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp. Anh rất nhiệt tình, tận tâm với công việc được giao, dám làm và chịu trách nhiệm trước những quyết định xử lý công việc trong phạm vi chức trách được giao”.
Để đội ngũ sỹ quan, thuyền viên, trong đó có anh Trần Hữu Dũng yên tâm làm việc, công đoàn đã tham mưu với người sử dụng lao động để đưa các chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, BHTN, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động... cao hơn luật vào thỏa ước lao động tập thể, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho người lao động. Công đoàn cũng luôn kịp thời nắm bắt tâm tư tình, cảm của người lao động và cả người sử dụng lao động để góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong công ty.