Lao động nữ gặp nhiều rào cản

Đăng: 03:44 16-10-2019  |   Tác giả:   |   Nguồn: congdoan.vn

Ngày 15-10, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương 2019 "Nâng cao quyền năng của phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Không chỉ gặp khó trong tuyển dụng, lương của lao động nữ thấp hơn lao động nam, cơ hội thăng tiến cũng ít hơn.

Thuộc nhóm dễ mất việc làm

Theo thống kê, số lượng nữ giới trong độ tuổi lao động tại Việt Nam đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Đảng, nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của LĐN tại nơi làm việc. Những chính sách này nhằm hướng tới bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững, phát huy đầy đủ giá trị cốt lõi, tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, phẩm chất cần cù, thông minh, sáng tạo của LĐN. Mặc dù vậy, ông Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ có không ít khó khăn cho LĐN. Chính vì vậy, Công đoàn Việt Nam và tất cả các bên liên quan tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất các giải pháp để trao và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và LĐN.

Mô tả bức tranh của LĐN trong nền kinh tế hiện nay, bà Vũ Thị Thu Hằng, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về giới, cho biết một số cuộc khảo sát cho thấy LĐN tham gia tích cực vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, nhóm nghề mà phụ nữ tham gia thường dễ bị thay thế bởi thường là lao động đơn giản, chân tay mà không yêu cầu kỹ thuật cao như điện tử, da giày, nhà hàng, khách sạn. Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bà Hằng lo ngại sẽ tác động đến LĐN - là đối tượng dễ bị thay thế nhất. "Các ngành da giày, dệt may chiếm tỉ lệ lớn LĐN tập trung ở những công việc chân tay, không đòi hỏi cao về kỹ thuật. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) đầu tư ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất đưa ro-bốt, máy móc tự động vào quy trình sản xuất thì chính lực lượng LĐN là nhóm dễ bị mất việc làm nhất" - bà Hằng nêu thực tế.

Lạc quan trước những thay đổi tích cực về lao động, việc làm đối với nữ giới ở nhiều lĩnh vực nhưng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thừa nhận vẫn còn những "khoảng tối" cần được xóa bỏ. Theo ông Lợi, những rào cản trong tuyển dụng xuất phát từ định kiến khiến phụ nữ bị thiệt thòi hơn nam giới.

Một vấn đề đáng lưu tâm hơn là phân phối tiền lương, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng tiền lương của LĐN thấp hơn lao động nam, việc thăng tiến cũng chậm hơn. Những vấn đề vừa nêu đã được xem xét, tiếp cận để đưa vào quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động.

Tôn trọng, tăng cường vai trò của phụ nữ

Là DN vốn đầu tư nước ngoài sử dụng khoảng 140.000 công nhân Việt Nam, trong đó có tới 70% là LĐN, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết DN này đã có nhiều chính sách chăm lo cho lực lượng LĐN như xây thêm các khu nghỉ ngơi dành riêng cho phụ nữ, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ, chính sách cho LĐN, đặc biệt là đối tượng có con nhỏ. 

Trước những tác động sâu sắc và thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà LĐN phải đối mặt, ông Choi Joo Ho cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, DN và người lao động (NLĐ) cần nhìn nhận thấu đáo và có một sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ để không mất đi những thời cơ tốt. "Tôi tin rằng những thách thức đó sẽ được biến thành cơ hội, tạo bước ngoặt cho đối tượng LĐN khẳng định vị thế và vai trò của mình trong xã hội" - ông Choi Joo Ho lạc quan nói.

Hiến kế xây dựng chính sách, pháp luật nhằm tạo ra môi trường lao động an toàn và tôn trọng, tăng cường vai trò của phụ nữ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh quá trình xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã thể hiện những điều này. Theo ông Hiểu, ở dự án luật, NLĐ nói chung và LĐN nói riêng được tôn trọng, được giải phóng khả năng, trí tuệ, được tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được tiếp cận các mô hình mới. Tinh thần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã "có mặt" rất sâu sắc trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Bên cạnh đó, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần quan tâm sửa đổi hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo nghề. Bởi lẽ, chúng ta khó thực hiện bình đẳng nếu phụ nữ không được tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề đầy đủ. Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về DN, thương mại, khởi nghiệp sáng tạo cần có hướng tiếp cận với quyền phụ nữ.

Là người tham gia sâu vào việc xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất cần có hệ thống chính sách để hạn chế những tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với NLĐ nói chung và LĐN nói riêng. Nếu không có giải pháp, LĐN sẽ đứng xa trong những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp này.