Chương trình Đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đến năm 2023

Đăng: 13:22 21-02-2023  |   Tác giả:   |   Nguồn: Công đoàn TCT

Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ban hành Chương trình "Đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đến năm 2023"

Trong những năm vừa qua, công tác Tuyên giáo - Truyền thông Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ngày càng được quan tâm, bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, tạo được sức lan tỏa và đồng thuận trong đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cũng như trong đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đòi hỏi phải thay đổi toàn diện về nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, trong đó việc đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn càng phải được chú trọng hơn nữa.

Thực hiện Chương trình số 01/CTr-TLĐ ngày 26/8/2020 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN về "Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023"; Nghị quyết Đại hội V và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023;

Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ban hành Chương trình "Đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đến năm 2023" với những nội dung cụ thể sau:

  1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
  2. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam về công tác truyền thông công đoàn; xây dựng, quảng bá hình ảnh Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công đoàn Việt Nam; thúc đẩy sự ủng hộ của cấp ủy đảng cùng cấp, chuyên môn đối với phong trào CNVCLĐ và hoạt động các cấp Công đoàn Tổng công ty.

- Quảng bá các hoạt động thiết thực, hiệu quả của các cấp Công đoàn Tổng công ty và đội ngũ cán bộ công đoàn vì đoàn viên, NLĐ.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn tập trung vào việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thông hiện đại gắn với tổ chức nghiên cứu xây dựng các hoạt động trọng tâm, trọng điểm của các cấp công đoàn trong công tác truyền thông, ưu tiên các hoạt động tạo sức lan tỏa đến đông đảo đoàn viên, NLĐ.

  1. Yêu cầu

- Công tác truyền thông phải kịp thời, chính xác và rộng khắp; các sản phẩm truyền thông phải đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, có tính ứng dụng, tiếp cận cao để lan tỏa đến được đoàn viên, NLĐ.

- Công tác truyền thông công đoàn cần gắn với tuyên truyền nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, quy định, quy chế, nội quy của đơn vị để tạo sự gắn kết, đồng hành giữa tổ chức Công đoàn với chuyên môn.

  1. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

- Hàng năm, Công đoàn Tổng công ty tổ chức ít nhất 02 chiến dịch truyền thông về các hoạt động lớn của tổ chức Công đoàn.

- Xây dựng nhóm truyền thông của cán bộ công đoàn trên mạng xã hội (zalo, viber, facebook…) để phổ biến, tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin.

- Tăng cường tuyên truyền trên trang web, fanpage Công đoàn Tổng công ty về chính sách, pháp luật, hoạt động công đoàn các cấp với tần suất 01 thông tin/1 ngày và đến năm 2023 tăng ít nhất gấp đôi số thông tin được cập nhật.

- Khuyến khích các Công đoàn cơ sở trực thuộc có từ 500 đoàn viên, NLĐ trở lên có trang facebook để cập nhật, phổ biến, giải đáp thông tin cho đoàn viên, NLĐ tại đơn vị.

III. ĐỐI TƯỢNG, KÊNH TRUYỀN THÔNG VÀ NGUYÊN TẮC TRUYỀN THÔNG

  1. Đối tượng

Cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, cấp ủy đảng, chuyên môn và cộng đồng xã hội.

  1. Kênh truyền thông

- Các kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

- Kênh truyền thông trực tiếp: loa truyền thanh, bảng tin, pano…; trang web, hệ thống quản trị mạng nội bộ; những người có uy tín trong đơn vị; báo cáo viên.

- Các sự kiện truyền thông: Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Ngày Thuyền viên, Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty…

- Các kênh truyền thông xã hội: Facebook, zalo, youtube…

  1. Nguyên tắc truyền thông

- Thống nhất nội dung thông điệp, đồng bộ kênh truyền thông từ Tổng Liên đoàn LĐVN, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đến các Công đoàn cơ sở và đoàn viên, NLĐ.

- Cụ thể hóa nhiệm vụ truyền thông trong các hoạt động, sự kiện trọng tâm của Công đoàn Tổng công ty và của đơn vị.

- Bám sát thực tiễn, phổ biến nhanh nhạy, kịp thời chính xác những thông tin tích cực; phản ánh khách quan, trung thực, người thật, việc thật trong tổ chức Công đoàn để đẩy lùi thông tin tiêu cực.

- Chủ động đấu tranh bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng của Công đoàn.

  1. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
  2. Nội dung chuyên sâu

- Vị thế của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; những đóng góp của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội V Công đoàn Tổng công ty và của đơn vị.

- Vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đại diện cho đoàn viên, NLĐ tham gia xây dựng văn kiện và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn; tham gia triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2012 và các chính sách, pháp luật khác liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn; tham gia đàm phán, thương lượng về tiền lương, chế độ, chính sách đối với NLĐ và ký kết thỏa ước lao động tập thể…

- Những chuyển biến tích cực về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Phản ánh chuẩn xác các vấn đề NLĐ quan tâm, tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động.

- Tổ chức thông tin phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến tổ chức Công đoàn Việt Nam.

- Tổ chức thông tin đối ngoại về đội ngũ lao động ngành Hàng hải và kết quả quan hệ quốc tế.

  1. Nội dung phổ biến, cập nhật thường xuyên

- Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy định của doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ.

- Công tác tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và các hoạt động đổi mới của tổ chức Công đoàn.

- Các hoạt động đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

- Chương trình phúc lợi của tổ chức Công đoàn dành cho đoàn viên, NLĐ; các hoạt động trợ giúp đoàn viên, NLĐ khó khăn; hoạt động an sinh xã hội.

  1. Truyền thông các hoạt động nổi bật của tổ chức Công đoàn

- Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5; các chương trình lãnh đạo cấp ủy, chuyên môn gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ.

- Các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Ngày thành lập Công đoàn Tổng công ty và trao các giải thưởng, tôn vinh cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ tiêu biểu xuất sắc và các hoạt động của công đoàn kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước.

- Chương trình Tết Sum vầy và hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ.

  1. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Các cấp công đoàn xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đối tượng và kênh truyền thông, đồng thời huy động, tập trung nguồn lực để thực hiện, cụ thể:

  1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn về công tác truyền thông công đoàn

- Đổi mới tư duy và cách thức thực hiện công tác truyền thông, từ truyền thống sang hiện đại là chủ yếu. Truyền thông công đoàn là trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn, mỗi cấp công đoàn.

- Thống nhất về nhận thức, quan điểm công tác truyền thông công đoàn, nhất là đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nhằm nâng cao hiệu quả của thông tin, góp phần định hướng đoàn viên, NLĐ và dư luận xã hội.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn về ý nghĩa, vai trò của công tác truyền thông công đoàn - kênh thông tin chính thống của tổ chức Công đoàn, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước, Công đoàn với đoàn viên, NLĐ; giữa Tổng Liên đoàn LĐVN với Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và công đoàn cơ sở.

  1. Triển khai các kênh truyền thông trực tiếp có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng để đưa thông tin đến đoàn viên, NLĐ

- Truyền thông theo nhóm: Công đoàn cơ sở lựa chọn nội dung phù hợp, đề xuất với chuyên môn tạo điều kiện về địa điểm, thời gian… để tổ chức truyền thông đến đoàn viên, NLĐ theo nhóm (nhóm nhỏ dưới 30 người, nhóm vừa dưới 50 người, nhóm lớn từ 100 - 200 người)

- Truyền thông qua hệ thống thông tin tại nơi làm việc: Công đoàn cơ sở vận động chuyên môn đầu tư trang bị các phương tiện thông tin phù hợp tại nơi làm việc phục vụ công tác truyền thông nội bộ.

- Phát huy vai trò của những người có uy tín, có ảnh hưởng trong đoàn viên, NLĐ cùng tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn, thu hút sự chú ý của đoàn viên, NLĐ và truyền thông, từ đó làm nòng cốt cho công tác truyền thông công đoàn.

  1. Tổ chức các sự kiện truyền thông

Các Công đoàn cơ sở tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao hình ảnh của tổ chức Công đoàn khi tổ chức các sự kiện chính trị, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của Đảng; các hoạt động lớn trên các lĩnh vực công tác công đoàn.

  1. Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội phổ biến và ứng dụng trên điện thoại di động

- Tổ chức thông tin trên các mạng xã hội (facebook) của Công đoàn, tập trung vào các nội dung: phổ biến, giải đáp chính sách, pháp luật; giới thiệu các chương trình phúc lợi, hoạt động thiết thực của Công đoàn cho đoàn viên, NLĐ; quảng bá hình ảnh của tổ chức Công đoàn; phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn; định hướng thông tin cho đoàn viên, NLĐ và dư luận xã hội. Hạn chế các thông tin mang tính hành chính, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao của cán bộ công đoàn; thực hiện đúng quy định về đăng tải các văn bản của tổ chức Công đoàn trên mạng xã hội.

- Hình thức:

+ Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp với internet và mạng xã hội như dữ liệu bằng hình ảnh trực quan, video ngắn, bài viết ngắn kèm hình ảnh, thiết kế đồ họa thông tin…

+ Tổ chức thăm dò ý kiến trên mạng xã hội; trao đổi, trả lời nội dung tương tác của đoàn viên, NLĐ trên mỗi bài viết và trong mục tin nhắn của các trang mạng xã hội của Công đoàn. Thời gian trả lời trong vòng 24h kể từ khi nhận được tin nhắn.

+ Tổ chức thi ảnh, thi viết, thi sáng tạo video clip… trên mạng xã hội để thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ và quảng bá hình ảnh của tổ chức Công đoàn.

- Tăng cường gắn kết với đoàn viên, NLĐ

+ Căn cứ nhu cầu sử dụng, các cấp công đoàn tạo một số nhóm kín trên Facebook, Zalo và Viber để trao đổi thông tin vào trao đổi công việc trong trường hợp cần thiết có sự tham gia của nhiều cán bộ công đoàn theo từng công việc.

+ Cán bộ công đoàn nhất là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ công đoàn chuyên trách tại Công đoàn cơ sở có tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook, youtube…) theo dõi hoạt động của các trang, nhóm mạng xã hội của công nhân tại đơn vị, địa bàn để nắm bắt nội dung trao đổi, phản ánh và giải thích, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin.

  1. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ làm công tác truyền thông công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn.

- Vận động chuyên môn hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông công đoàn.

- Quan tâm công tác nắm bắt, dự báo và xử lý những rủi ro từ truyền thông.

  1. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  2. Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

- Giao Ban Tuyên giáo - Nữ công làm bộ phận thường trực, tham mưu giúp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành chỉ đạo các hoạt động truyền thông; tổng hợp và xây dựng kế hoạch truyền thông định kỳ và đột xuất trình Thường trực Ban Thường vụ phê duyệt. Đồng thời, trực tiếp triển khai các nội dung công việc sau:

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông cấp Công đoàn Tổng công ty: Cung cấp thông tin cho báo chí; tổ chức truyền thông các sự kiện, hoạt động nổi bật của Công đoàn Tổng công ty và Công đoàn Việt Nam.

+ Chủ trì quản lý, biên tập nội dung thông tin trên Trang thông tin điện tử tổng hợp (website) và trang mạng xã hội (facebook, youtube) của Công đoàn Tổng công ty.

+ Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác truyền thông công đoàn đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai công tác truyền thông tại các Công đoàn cơ sở trực thuộc. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác truyền thông trong toàn hệ thống Công đoàn Tổng công ty.

- Giao Ban Tài chính đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác truyền thông công đoàn. Hướng dẫn chi thường xuyên cho công tác truyền thông công đoàn theo phân cấp tài chính công đoàn hiện hành trên cơ sở đảm bảo tỷ trọng do Tổng Liên đoàn quy định và phù hợp với điều kiện tài chính cụ thể ở từng cấp công đoàn.

- Giao Ban Tổ chức đề xuất đưa nội dung đào tạo công tác truyền thông công đoàn vào chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn hàng năm.

- Văn phòng, các Ban Công đoàn Tổng công ty chủ trì nội dung truyền thông thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; phối hợp với Ban Tuyên giáo - Nữ công trong thực hiện công tác truyền thông đối với các sự kiện, hoạt động lớn của Công đoàn Tổng công ty.

  1. Các Công đoàn cơ sở trực thuộc

- Trên cơ sở Chương trình của Công đoàn Tổng công ty, các Công đoàn cơ sở trực thuộc nghiên cứu, cụ thể hóa thành kế hoạch công tác hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở và tổ chức thực hiện công tác truyền thông công đoàn thiết thực, hiệu quả tại đơn vị.

- Định kỳ tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Công đoàn Tổng công ty (trong báo cáo kết quả phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn hằng năm).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị, kịp thời phản ánh về Công đoàn Tổng công ty (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công) để được giải quyết./.