Hướng dẫn quy trình, nội dung tổ chức Hội nghị người lao động

Đăng: 10:51 23-02-2016  |   Tác giả:   |   Nguồn:

 
Theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ: "Hội nghị người lao động là cuộc họp có tổ chức do người sử dụng lao động chủ trì tổ chức hàng năm có sự tham gia của người lao động và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở để nhằm trao đổi thông tin và thực hiện các quyền dân chủ cho người lao động". Nghị định cũng quy định rõ về trách nhiệm, thành phần, nội dung, quy trình tổ chức Hội nghị người lao động tại các đơn vị.
Để giúp các đơn vị xây dựng kế hoạch, quy trình, nội dung tổ chức Hội nghị người lao động theo đúng quy định của pháp luật, trang Thông tin điện tử Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xin tổng hợp lại các vấn đề liên quan tới việc tổ chức Hội nghị người lao động tại các đơn vị như sau:


I. ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Đối tượng tổ chức Hội nghị người lao động
- Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng từ 10 lao động trở lên làm việc theo hợp đồng lao động (gọi tắt là công ty).
 - Hội đồng quản trị; Hội đồng thành viên; Chủ tịch công ty; Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân; Chủ nhiệm HTX; người sử dụng lao động tại các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (gọi chung là người sử dụng lao động) chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời (gọi chung là Ban Chấp hành Công đoàn công ty).
2. Mục đích tổ chức Hội nghị người lao động
- Tổ chức Hội nghị người lao động trong các doanh nghiệp nhằm phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động, tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động.
- Thông qua việc thực hiện dân chủ trực tiếp tại Hội nghị người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, phát triển bền vững.
3. Nguyên tắc tổ chức Hội nghị người lao động
- Hội nghị người lao động được tổ chức hàng năm. Trường hợp cần thiết người sử dụng lao động hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) đề xuất tổ chức Hội nghị người lao động bất thường.
- Hội nghị người lao động được thừa nhận là hợp lệ khi có sự tham dự của trên 2/3 tổng số đại biểu được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CĐCS quyết định triệu tập.
- Nghị quyết của Hội nghị người lao động chỉ có giá trị khi có trên 50% tổng số đại biểu chính thức dự Hội nghị biểu quyết tán thành.


II. TRÌNH TỰ VÀ NỘI DUNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất

Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất có thể tổ chức linh hoạt, chủ yếu thực hiện những nội dung sau đây:
1.1. Trưởng phòng, ban, quản lý phân xưởng, đội, tổ trưởng sản xuất: Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của năm trước và các chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao trong năm kế hoạch của công ty.
1.2. Chủ tịch Công đoàn bộ phận hoặc Tổ trưởng Công đoàn: Báo cáo kết quả việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động trong phạm vi phòng ban, phân xưởng, tổ, đội như: Tình hình thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nội quy, quy chế của doanh nghiệp và các kiến nghị của người lao động; trình bày dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, nội quy, quy chế của công ty (nếu có).
1.3. Người lao động: Thảo luận về các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh; đề xuất những sáng kiến, kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc; nêu những kiến nghị với người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn công ty; thảo luận nội dung dự thảo mới hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, các nội quy, quy chế công ty (nếu có).
1.4. Bầu đại biểu dự Hội nghị người lao động công ty theo số lượng được phân bổ (nếu có).
2. Hội nghị người lao động cấp công ty
Sau phần Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, Hội nghị người lao động cấp công ty sẽ được tổ chức theo nội dung, trình tự sau:
2.1. Bầu Đoàn Chủ tịch và thư ký Hội nghị
- Đoàn Chủ tịch Hội nghị bao gồm: Người sử dụng lao động, Chủ tịch Công đoàn công ty; thành viên khác (do Hội nghị quyết định bằng hình thức biểu quyết), Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm chủ trì Hội nghị.
- Đoàn Chủ tịch dự kiến thư ký và lấy biểu quyết Hội nghị. Thư ký Hội nghị có trách nhiệm ghi biên bản, dự thảo nghị quyết của Hội nghị.
2.2. Báo cáo tư cách đại biểu tham dự Hội nghị
Đoàn Chủ tịch dự kiến và xin ý kiến Hội nghị để bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu. Ban thẩm tra tư cách đại biểu có trách nhiệm báo cáo về tình hình đại biểu tham dự Hội nghị theo quy định.
2.3. Báo cáo của Người sử dụng lao động
2.4. Báo cáo của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở (Ban Chấp hành Công đoàn)
2.5. Ban thanh tra nhân dân (TTND) báo cáo: Kết quả hoạt động và dự kiến chương trình hoạt động (nếu có).
2.6. Bầu bổ sung hoặc theo nhiệm kỳ Ban TTND (đối với doanh nghiệp Nhà nước).
2.7. Trình bày dự thảo các nội quy, quy chế, TƯLĐTT của công ty (nếu có).
2.8. Đại biểu thảo luận
Hội nghị thảo luận các nội dung do người sử dụng lao động, Công đoàn đã báo cáo và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm.
2.9. Trả lời các chất vấn, kiến nghị của đại biểu
- Người sử dụng lao động trả lời các câu hỏi của đại biểu có liên quan đến công tác điều hành, quản lý, thực hiện các chế độ chính sách, nội quy, quy chế… tiếp thu và giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền; tiếp thu các nội dung để kiến nghị với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông giải quyết theo thẩm quyền.
- Công đoàn tiếp thu ý kiến của đại biểu về những vấn đề thuộc vai trò, trách nhiệm của Công đoàn.
2.10. Thông qua các nội quy, quy chế, TƯLĐTT của công ty. Ký kết TƯLĐTT mới hoặc ký sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT (nếu có và đủ điều kiện).
2.11. Bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ.
2.12. Khen thưởng, phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua.
2.13. Biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị NLĐ.
3. Nội dung Hội nghị người lao động bất thường
Nội dung của Hội nghị người lao động bất thường tập trung bàn và quyết định các vấn đề là nguyên nhân phải triệu tập hội nghị.


III. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Thời điểm tổ chức Hội nghị người lao động

1.1. Hội nghị người lao động tại các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất tiến hành sau khi có kế hoạch tổ chức Hội nghị người lao động công ty.
 1.2. Hội nghị người lao động công ty được tổ chức khi có kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm tiếp theo được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thông qua và hoàn thành trước 30/6 hàng năm.
2. Hình thức tổ chức Hội nghị người lao động
2.1. Hội nghị toàn thể được tổ chức ở các công ty có dưới 100 lao động.
2.2. Hội nghị đại biểu được tổ chức ở các công ty có từ 100 lao động trở lên.
2.3. Hội nghị bất thường: Khi có những biến động lớn, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty, tác động trực tiếp tới quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động thì người sử dụng lao động hoặc Ban chấp hành Công đoàn công ty có thể đề xuất việc tổ chức Hội nghị người lao động bất thường.
3. Số lượng, thành phần tham dự Hội nghị người lao động
3.1. Hội nghị toàn thể
- Thành phần tham dự Hội nghị gồm toàn thể người lao động trong công ty.
- Ở những công ty do đặc thù sản xuất kinh doanh, người lao động không thể rời vị trí sản xuất thì Người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn công ty thỏa thuận thành phần tham dự Hội nghị.
3.2. Hội nghị đại biểu
a. Số lượng đại biểu:
- Số lượng đại biểu bầu tối thiểu được quy định như sau:
+ Đối với doanh nghiệp có 100 lao động thì bầu ít nhất là 50 đại biểu;
+ Đối với doanh nghiệp có từ 101 đến dưới 1000 lao động, ngoài số đại biểu phải bầu ban đầu là 50 đại biểu, cứ 100 lao động thì bầu thêm ít nhất 05 đại biểu;
+ Đối với doanh nghiệp có 1.000 lao động thì bầu ít nhất là 100 đại biểu;
+ Đối với doanh nghiệp có từ 1001 đến dưới 5000 lao động, ngoài số đại biểu phải bầu ban đầu ít nhất là 100 đại biểu, cứ 1.000 lao động thì bầu thêm ít nhất 20 đại biểu;
+ Đối với doanh nghiệp có từ 5.000 lao động trở lên thì bầu ít nhất là 200 đại biểu.
- Người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn công ty thống nhất, quyết định số lượng, cơ cấu đại biểu được bầu tham dự Hội nghị đại biểu và phân bổ số lượng, cơ cấu đại biểu được bầu tương ứng với số lượng và cơ cấu lao động của từng ban, phòng, phân xưởng, tổ, đội, sản xuất.
- Đại biểu trúng cử phải đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ; trường hợp phát sinh trong quá trình bầu cử được quy định như sau:
+ Trường hợp nhiều người cùng đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ thì lấy theo thứ tự từ người có số phiếu cao nhất trở xuống cho đến khi đủ số đại biểu được phân bổ;
+ Trường hợp bầu lần thứ nhất số người trúng cử chưa đủ số lượng đại biểu được phân bổ thì tiếp tục bầu các lần tiếp theo cho đến khi đủ số đại biểu;
+ Trường hợp nhiều người cùng đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ và có cùng số phiếu mà vượt quá số đại biểu được phân bổ thì tổ chức bầu tiếp đối với những người có cùng số phiếu bầu này để lấy người có số phiếu bầu cao hơn cho đến khi đủ số đại biểu được phân bổ.
b. Thành phần tham dự Hội nghị:
- Thành phần tham dự Hội nghị đại biểu bao gồm đại biểu đương nhiên và đại biểu bầu:
 + Đại biểu đương nhiên gồm: Thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Ban Chấp hành CĐCS, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp (nếu có);
+ Đại biểu bầu: Là những người được Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết theo số lượng được phân bổ.
 3.3. Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất
Thành phần dự Hội nghị là người lao động trong các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.
3.4. Hội nghị người lao động bất thường
Thành phần dự Hội nghị là đại biểu đã tham dự Hội nghị người lao động thường niên trước đó.
4. Trách nhiệm của các bên tham gia Hội nghị người lao động công ty
4.1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
a. Trước khi tổ chức Hội nghị:
- Chủ trì xây dựng và ban hành Quy chế đối thoại định kỳ, Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn công ty.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị người lao động tại công ty, thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn công ty về: Số lượng, thành phần đại biểu dự Hội nghị. Nếu tổ chức Hội nghị đại biểu thì thống nhất phân bổ số lượng đại biểu cho các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất bầu dự Hội nghị; thống nhất các nội dung của Hội nghị người lao động, phân công cụ thể nhiệm vụ của mỗi bên.
- Chuẩn bị báo cáo để trình bày tại Hội nghị người lao động công ty về các nội dung sau:
+ Kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; phương án sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, sắp xếp lao động, đổi mới thiết bị, công nghệ trong thời gian tới (nếu có).
+ Tình hình xây dựng và thực hiện các nội quy, quy chế, quy định của công ty, bao gồm: Nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
+ Đánh giá về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
+ Tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; tiền lương, tiền thưởng.
+ Việc trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp.
+ Trích nộp kinh phí công đoàn, trích nộp bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
+ Công khai tài chính trong năm về các nội dung liên quan đến người lao động.
+ Tình hình khiếu nại tố cáo và việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
- Chủ trì phối hợp với Công đoàn công ty chuẩn bị dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, các nội quy, quy chế, qui định để đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.
- Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị người lao động công ty.
- Ban hành Quyết định triệu tập Hội nghị người lao động.
b. Trong quá trình tổ chức Hội nghị:
- Thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm đã chuẩn bị và chương trình đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn.
- Khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của công ty.
c. Sau khi tổ chức Hội nghị:
- Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm phổ biến kết quả Hội nghị người lao động đến toàn thể người lao động.
- Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động; bổ sung các quy định của công ty phù hợp với những nội dung đã thông qua tại Hội nghị người lao động công ty.
- Triển khai thực hiện TƯLĐTT đã ký kết (nếu có) giữa người sử dụng lao động và đại diện Ban chấp hành Công đoàn công ty.
- Định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng, cùng với Ban Chấp hành Công đoàn đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động, TƯLĐTT, kết quả các phong trào thi đua và thông báo cho người lao động trong công ty biết (tùy theo điều kiện cụ thể của từng công ty, người sử dụng lao động có thể thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn lồng ghép việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc vào nội dung này).
4.2. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn công ty
a. Trước khi tổ chức Hội nghị:
- Phối hợp với Người sử dụng lao động công ty xây dựng Quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc và Quy chế tổ chức Hội nghị người lao động, kế hoạch tổ chức Hội nghị người lao động công ty.
- Giám sát tình hình tổ chức Hội nghị người lao động các phòng ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và tập hợp các kiến nghị của người lao động.
 - Chuẩn bị báo cáo để trình bày tại Hội nghị người lao động công ty về các nội dung giám sát sau:
+ Kết quả tổ chức Hội nghị người lao động cấp phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và các kiến nghị của người lao động.
 + Việc tham gia xây dựng, sửa đổi và kết quả thực hiện các nội quy, quy chế, qui định phải công khai của doanh nghiệp.
+ Kết quả thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, cải thiện điều kiện làm việc.
+ Kết quả thực thiện TƯLĐTT; thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động của CĐCS.
+ Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ và các cuộc đối thoại của tại công ty.
+ Kết quả trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
+ Kết quả tình hình thi đua, khen thưởng.
- Tiến hành thương lượng các nội dung dự thảo mới hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT (nếu có).
- Tham gia xây dựng dự thảo mới hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế công ty (nếu có).
- Chỉ đạo Ban TTND xây dựng báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và đề ra phương hướng nhiệm vụ; chuẩn bị giới thiệu nhân sự bầu Ban TTND nếu hết nhiệm kỳ (đối với doanh nghiệp Nhà nước).
- Chuẩn bị nhân sự giới thiệu bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại tại doanh nghiệp.
- Đề xuất người sử dụng lao động khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của công ty.
b. Trong quá trình tổ chức Hội nghị:
- Thực hiện các nội dung đã chuẩn bị theo sự phân công và chương trình Hội nghị đã thống nhất với người sử dụng lao động.
- Công bố kết quả khen thưởng; tổ chức phát động thi đua, ký kết các giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm kế hoạch.
c. Sau khi tổ chức Hội nghị:
- Báo cáo kết quả tổ chức Hội nghị người lao động công ty với Công đoàn cấp trên trực tiếp.
- Phối hợp với người sử dụng lao động chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động và TƯLĐTT.
- Tham gia với người sử dụng lao động trong việc thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định của công ty cho phù hợp với TƯLĐTT, nội quy, quy chế công ty (nếu có) mà Hội nghị người lao động đã thông qua.
- Giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động. Phối hợp với các đoàn thể trong công ty động viên người lao động thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động, TƯLĐTT, các nội quy, quy chế của công ty.
- Định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng cùng với người sử dụng lao động đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động, TƯLĐTT, kết quả các phong trào thi đua và thông báo cho người lao động trong công ty biết.
4.3. Trách nhiệm đại biểu dự Hội nghị người lao động công ty
a. Thảo luận và tham gia ý kiến trực tiếp những vấn đề do người sử dụng lao động, Công đoàn công ty trình bày tại Hội nghị, đề xuất những giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và đề xuất những sáng kiến, các biện pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
b. Thảo luận nội dung dự thảo mới hoặc sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT để đại diện Ban Chấp hành Công đoàn và Người sử dụng lao động công ty ký (nếu có).
c. Thảo luận và biểu quyết những nội dung kiến nghị với Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty; biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị người lao động công ty.
d. Truyền đạt lại kết quả Hội nghị người lao động công ty cho những người không đi dự Hội nghị.

IV. MỘT SỐ LƯU Ý KHI TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai tổ chức Hội nghị người lao động, công ty phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng cơ sở (nơi có cấp ủy Đảng).
2. Ít nhất 10 ngày trước khi tổ chức Hội nghị người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn công ty liên hệ với Công đoàn cấp trên trực tiếp để xin ý kiến về nội dung các văn bản, quy trình tổ chức hội nghị.
3. Hồ sơ của Hội nghị người lao động như: Biên bản Hội nghị cấp tổ, cấp công ty, Nghị quyết Hội nghị, TƯLĐTT… phải được tập hợp và lưu trữ đầy đủ tại công ty. Gửi biên bản Hội nghị người lao động công ty lên Công đoàn cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo.
4. Các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục duy trì hoạt động Ban thanh tra nhân dân. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức hoạt động Ban thanh tra nhân dân thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010.