Đăng: 08:06 17-04-2024 | Tác giả: | Nguồn: vimc.co
Tham dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Đảng ủy Khối DNTW, đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan cùng các cổ đông và đại diện cổ đông được ủy quyền tham dự.
Về phía VIMC có Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Anh Sơn; Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh; Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Đoàn Thị Thu Hương; các Thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn/doanh nghiệp thành viên.
Tại Đại hội, VIMC đã trình Đại hội đồng cổ đông thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng bao gồm: Báo cáo của Hội đồng quản trị VIMC về Kết quả hoạt động năm 2023, kế hoạch hoạt động năm 2024; Báo cáo của Ban Kiểm soát VIMC về Kết quả giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC, giám sát HĐQT và TGĐ VIMC năm 2023; Báo cáo của Ban Kiểm soát VIMC về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Kiểm soát viên và Ban Kiểm soát VIMC năm 2023, phương hướng hoạt động năm 2024; Báo cáo tài chính Hợp nhất; Báo cáo tài chính riêng năm 2023 đã được kiểm toán; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của VIMC; Cập nhật Đề án Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2024…và các nội dung quan trọng khác.
Tại Đại hội, trình bày về kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2024, Tổng Giám đốc VIMC – Nguyễn Cảnh Tĩnh nhận định hoạt động vận tải biển năm 2024 vẫn gặp nhiều thách thức khi lạm phát vẫn tăng cao ở nhiều quốc gia và xung đột địa chính trị ngày càng phức tạp. Đặc biệt, tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt khi các đơn vị tư nhân tăng cường đầu tư vào hoạt động cảng biển. Năm 2024, VIMC đặt mục tiêu giữ vững thị phần, tăng trưởng doanh thu ngoài hoạt động truyền thống và tập trung thực hiện các dự án lớn.
Trước những thách thức được dự báo, năm 2024, VIMC đặt kế hoạch sản lượng vận tải biển đạt 15,9 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng biển đạt 123,6 triệu tấn; Doanh thu hợp nhất đạt 13.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 2.730 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ tổng doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng tương đương 17% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế hơn 930 tỷ đồng, tăng gần 580 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023, tương đương đạt gấp hơn 2,6 lần so với thực hiện năm 2023.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIMC là các cổ đông đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của VIMC thông qua phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ.
Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này.
Theo Chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, Tổng công ty đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực kinh doanh chính: hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ, …; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó, dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản hiện tại của VIMC chủ yếu tập trung ở tài sản cố định (đội tàu) và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
“Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của VIMC nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, …), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của VIMC”, Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, các cổ đông của VIMC đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc cập nhật Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025 của VIMC, trong đó có chủ trương đầu tư góp vốn thành lập công ty liên doanh giữa VIMC và Công ty Aries Energy Corporation (Hy Lạp). Công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đại lý vận tải hàng hoá, kho bãi, logistics này dự kiến có số vốn điều lệ 200.000 USD, trong đó VIMC góp 102.000 USD, tương đương 51% vốn điều lệ và Aries Energy Corporation góp 98.000 USD, tương đương 49% vốn điều lệ.
Tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025 của VIMC vừa được cập nhật VIMC sẽ đầu tư một loạt các dự án xây dựng các ICD/depot tại các khu vực kinh tế trọng điểm như: Trung tâm logistics, cảng thuỷ nội địa Ninh Giang trị giá 1.394 tỷ đồng; góp vốn đầu tư thực hiện Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ trị giá 15.077 tỷ đồng (VIMC dự kiến góp 30%); thành lập liên danh thực hiện Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng logistics tại Bắc Ninh trị giá 22,1 triệu USD…
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT VIMC – Lê Anh Sơn cho biết, để thực hiện được những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, VIMC sẽ tập trung triển khai một số giải pháp, đó là ứng dụng mạnh mẽ các công cụ quản trị mới, chuyển cách điều hành doanh nghiệp từ trạng thái quản lý, quản trị doanh nghiệp sang “chỉ huy doanh nghiệp”, đảm bảo tính tuân thủ của 1 hệ thống. Từng bước chuyển đổi xanh, phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại đảm bảo đáp ứng với các quy định, tiêu chuẩn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết nhất trí thông qua các nội dung khác VIMC trình tại Đại hội, các cổ đông đều bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao sự phát triển ổn định, bền vững của VIMC và sẽ tiếp tục ủng hộ, giao quyền tối đa cho HĐQT chủ động trong công tác quản lý, điều hành để thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2024 và mang lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông và nhà đầu tư.