Đăng: 15:24 22-03-2022 | Tác giả: Thư Hân | Nguồn: Báo Lao Động
NLĐ gặp khó khăn
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết, từ năm 2016 đến 2020, mức điều chỉnh bình quân hằng năm là 7,4%. Có thể nói, trong thời gian khá dài, lương tối thiểu không được điều chỉnh nên đã không còn “đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, không còn là sàn để bảo vệ được người lao động yếu thế, để thương lượng thỏa thuận tiền lương trên thực tế của người lao động và doanh nghiệp.
Theo ông Quảng, việc chậm tăng lương tối thiểu vùng cũng có một phần gây ra hệ luỵ không tốt cho quan hệ lao động. “Lâu nay, các doanh nghiệp thường căn cứ vào mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm của Chính phủ để điều chỉnh mức lương thực tế ở doanh nghiệp. Hơn 2 năm nay, do mức lương tối thiểu không được điều chỉnh, nên nhiều doanh nghiệp dựa vào đó mà không điều chỉnh tiền lương. Trong bối cảnh dịch COVID-19, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, giá cả tiêu dùng tăng cao, tiền lương thực tế của người lao động giảm sút, trong khi doanh nghiệp không điều chỉnh lương tăng lương, dẫn đến nhiều vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra vào đầu năm 2022” - ông Quảng phân tích.
Sớm điều chỉnh lương tối thiểu
Ông Quảng nói thêm, khái niệm mức lương tối thiểu là mức thấp nhất để trả cho người lao động làm các công việc đơn giản nhất, nhưng phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hiện trong 7 yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu đã có nhiều yếu tố thay đổi mạnh như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động...
Ngoài ra, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN - cho rằng, tỉ lệ lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm trong việc xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ hiện nay được xác định là 52/48, có thể nói là rất lạc hậu vì điều kiện kinh tế xã hội của đất nước đã có bước phát triển, đời sống của nhân dân nói chung, người lao động nói riêng đã được cải thiện, nhu cầu lương thực, thực phẩm giảm nhiều so với trước đây. “Đây là tỉ lệ của thời điểm đất nước gặp khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển. Vì vậy, cần phải xem xét lại tỉ lệ này” - ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, như thông lệ, lương tối thiểu thường được điều chỉnh vào đầu năm (1.1), nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có thể điều chỉnh trước mốc trên, vì thời gian không tăng đã quá dài, hơn nữa tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực. Ngoài ra, trong lịch sử, cũng đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm, nên cá nhân ông vẫn muốn điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hai năm qua lương tối thiểu vùng không tăng. Vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của người lao động. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng.
Theo ông Phòng, ngày 15.4 tới đây, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về vấn đề lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Sau cuộc khảo sát này, mới có thể nói rõ thêm về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương. Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp: “Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia”.
Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã “lỡ hẹn” và được thực hiện theo mức lương:
Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I
Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II
Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III
Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Mong muốn được tăng ca
Hiện tại, lương cơ bản của anh Gi (công nhân ở Bắc Giang) là 4,1 triệu đồng/tháng; cộng với phụ cấp, anh được khoảng 5,2 triệu đồng/tháng nếu không làm thêm. “Dĩ nhiên là chẳng công nhân nào lại không đi làm thêm để chỉ được nhận mức thu nhập trên, vì với số tiền trên, cuộc sống sẽ rất khó khăn, thiếu thốn, nhiều khi không đủ để trang trải những nhu cầu của cuộc sống xa nhà” - anh Gi cho hay.
Để có thêm thu nhập, anh Gi tích cực đi tăng ca. “Tuỳ theo công việc, có tháng tăng ca nhiều thì được 8-9 triệu đồng; có tháng ít việc hơn, tăng ca ít thì chỉ được khoảng 7 triệu đồng”- anh Gi nói.
Anh Gi cho biết thêm, một ngày anh làm thêm 3 giờ; còn trong tuần, nếu công ty nhiều việc thì ngày nào anh cũng làm thêm; công ty ít việc thì làm thêm ít hơn. “Mỗi khi công ty có kế hoạch đi làm thêm vào chủ nhật thì tôi sẽ đăng ký để kiếm thêm vì làm thêm vào chủ nhật có thu nhập cao hơn so với ngày thường. Tăng lương là mong muốn của bất kỳ người lao động. Có thêm đồng nào, chúng tôi trân quý đồng đó” - anh Gi cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-som-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-1025858.ldo