SỸ QUAN, THUYỀN VIÊN TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM - NHỮNG NGƯỜI VƯỢT LÊN NGỌN SÓNG

Đăng: 09:38 25-06-2020  |   Tác giả: CDL  |   Nguồn: Công đoàn TCT

Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu được coi là người thủy thủ ưu tú nhất của Việt Nam với hải trình tìm đường cứu nước thì lớp lớp sỹ quan, thuyền viên ngày nay đang theo chân Bác viết tiếp những bản hùng ca về nghề đi biển, vượt lên sóng dữ, làm chủ biển khơi, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp!

Thuyền viên là lực lượng lao động đảm nhiệm chuyên chở hơn 90% lượng hàng hóa thông thương trên toàn thế giới. Đây là những người lao động có tay nghề, am hiểu pháp luật quốc tế; có bản lĩnh, sức khỏe, có khả năng thích nghi cao trong môi trường làm việc đa quốc tịch. Thủy thủ viễn dương có cơ hội được đặt chân tới những miền đất lạ, nhưng, đằng sau sự hấp dẫn ấy là nỗi nhọc nhằn, vất vả với nghề, sự trăn trở với đời mà chỉ khi bước chân lên tàu mới có thể cảm nhận hết được.


Những con tàu hiện đại, đồ sộ như một tòa nhà di động mà ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ở các bến cảng, nhưng ngoài đại dương, chúng chỉ như những chiếc lá bé nhỏ, vật lộn giữa những cơn sóng luôn chực chờ ập xuống, cuốn phăng đi tất cả. Thử thách đầu tiên với nghề là chuỗi ngày ăn, ngủ, làm việc trong không gian rung lắc liên hồi trên những ngọn sóng; phải luân phiên làm việc theo ca và duy trì 24 giờ liên tục trong ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ. Trong khoang máy sặc mùi dầu mỡ, nhiệt độ lên đến 40oC, tiếng động cơ ầm ào, thợ máy khi vào ca, dù đang say sóng cực độ nhưng tay vẫn cầm cờ - lê để lao vào công việc. Đó là triền miên các bữa ăn được chế biến từ đồ đông lạnh, đồ hộp, thiếu rau xanh,… Vâng, đó mới chỉ là những nhọc nhằn, vất vả hữu hình của nghề mà mỗi thuyền viên có thể hình dung được và vượt qua sau một vài “đát” làm việc trên tàu.


Bão tố hay cướp biển mới thực sự là cuộc chiến không cân sức để giành giật sự sống, bảo đảm an toàn cho tàu, cho hàng giữa những người thủy thủ nhỏ bé trước thiên nhiên khắc nghiệt, với những tên cướp biển hung hãn, táo tợn và liều lĩnh. Tiến bộ của khoa học công nghệ có thể cảnh báo về những cơn bão để tàu tìm đường tránh, về tình hình cướp biển trên mỗi hải trình để nâng cao cảnh giới, hành hải an toàn, nhưng những lúc không còn đường lùi và mỗi thuyền viên khi ấy phải hành động như một chiến sỹ trong trận chiến - những con người gan dạ, bản lĩnh, chuyên nghiệp, kiên cường.


Nhưng, sau những ngày dài lênh đênh trên biển, được đặt chân lên đất liền với sự chòng chành mà các anh thường nói vui với nhau là “say đất”, anh “thủy thủ viễn dương” lại thấy cảm giác dễ chịu và tự hào vì con tàu đã cập bến an toàn, những mã hàng hóa đang được dỡ lên đánh dấu một chuyến đi thành công.


Vất vả là vậy nhưng không dễ trở thành một thuyền viên. Để làm được nghề là cả một quá trình học tập, rèn luyện gian khổ để có nền tảng thể lực, kiến thức, kinh nghiệm. Sau mỗi “đát” đi biển kéo dài vài tháng, thuyền viên lại tranh thủ thời gian nghỉ dự trữ để học bổ sung các chứng chỉ, thi nâng bậc trước khi xuống tàu đi tiếp. Cứ như vậy, người thuyền trưởng hay máy trưởng trên mỗi con tàu đã phải có ít nhất 12 đến 14 năm gắn bó với tàu, với nghề.


Những “con sói biển” đó dù đã quen với sóng gió nhưng sức chịu đựng về tinh thần mà mỗi thuyền viên phải đối mặt cũng đòi hỏi bản lĩnh vững vàng. Đó là sự khác biệt về văn hóa trên những con tàu đa quốc tịch; cảm giác cô đơn, buồn chán khi thức dậy mỗi ngày chỉ thấy dưới mạn tàu một màu xanh của nước; sự thiếu hụt tình cảm, xa cách những người thân yêu; không thể hiện diện để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với gia đình, người thân, bè bạn; là sự nhìn nhận chưa đầy đủ của xã hội… Vượt lên tất cả, “những người vượt lên ngọn sóng” đó vẫn ngày đêm cần mẫn cầm lái những con tàu vượt đại dương đến mọi bến bờ, kết nối con người, kết nối thế giới.


Việt Nam - một quốc gia biển, đang vươn mình ra thế giới. Ngành hàng hải  vừa phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn, vất vả của nghề nghiệp và cuộc sống, thuyền viên Việt Nam nói chung, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí quan trọng trong sự nghiệp ấy. Tính đến hết tháng 12/2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có 3.834 thuyền viên, trong đó 43% là sỹ quan đang vận hành đội tàu với 74 chiếc có tổng trọng tải 1,58 triệu DWT. Những cái tên là “anh cả đỏ” trong ngành hàng hải như Vosco, Vinaship… là niềm tự hào mà lớp thanh niên một thời từng mơ ước.


Với truyền thống “năng động, văn minh, sống nghĩa tình” của những con người Hàng hải và những giá trị cốt lõi ẩn sâu trong nét văn hóa doanh nghiệp riêng có, với nhận thức “Thuyền viên là tài sản quý giá nhất”, các đơn vị vận tải biển thuộc Tổng công ty cùng với các cấp công đoàn đã dành sự quan tâm hết sức kịp thời, thiết thực đến đội ngũ sỹ quan, thuyền viên. Đặc biệt là trong các vấn đề về quyền lợi, phúc lợi, chăm lo gia đình thuyền viên. Chính điều này đã giúp giữ chân những thuyền viên có chất lượng và thu hút một bộ phận lao động trẻ muốn tìm kiếm cơ hội làm việc và gắn bó lâu dài với Công ty. Trên bình diện quản lý, Công ty mẹ - Tổng công ty cùng với Công đoàn Tổng công ty đã luôn đồng hành cùng với các công ty vận tải biển trực thuộc và các công ty liên kết đánh giá, nghiên cứu, tìm kiếm những nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn, mang tính chiến lược để trước mắt là giữ ổn định lực lượng lao động thuyển viên và lâu dài là xây dựng nguồn nhân lực thuyền viên Việt Nam chất lượng cao vừa phục vụ nhu cầu vận hành an toàn, hiệu quả đội tàu của Tổng công ty, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thuyền viên ra thị trường quốc tế.


Còn đó, những chế độ, chính sách chưa thực sự có tính chất đãi ngộ đối với những lao động đặc thù này như vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sự phân biệt về thuế đối với thuyền viên đi tuyến quốc tế và tuyến nội địa… Đó là lao động trẻ hiện có quá nhiều lựa chọn đối với các nghề trên bờ khi họ vẫn hoàn toàn có thể tìm kiếm được một công việc với mức lương đảm bảo cuộc sống, không phải qua quá trình đào tạo lâu dài, lại không phải xa gia đình, làm việc trong môi trường sóng gió, vất vả, nguy hiểm, độc hại. Sự cạnh tranh không lành mạnh về nguồn nhân lực thuyền viên đến từ những công ty vận tải biển hoặc công ty cung ứng thuyền viên cũng phần nào tạo ra sự bất ổn trên thị trường thuyền viên.


Và họ - những người đi biển, rất cần sự cảm thông, chia sẻ, động viên từ gia đình, sự quan tâm của doanh nghiệp, sự đãi ngộ về chính sách đối với lực lượng lao động đặc thù từ Nhà nước, sự tôn vinh, trân trọng của xã hội để họ luôn tự hào và sẵn sàng nhận trách nhiệm vẻ vang mà ngành Hàng hải đã trao cho họ, góp một phần công sức kiến tạo một quốc gia biển hùng mạnh!