THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đăng: 07:04 25-09-2019  |   Tác giả:   |   Nguồn: congdoan.vn

Sáng 25/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, các đồng chí Phó Chủ tịch, uỷ viên Đoàn Chủ tịch; đại diện các bộ, ngành trung ương…


Tăng cường chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ tiền lương, thu nhập, đời sống của công nhân lao động được cải thiện; tình hình ngừng việc tập thể giảm mạnh cả về số lượng và quy mô; mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ với giai cấp công nhân được gắn kết hơn; công tác phối hợp trong việc nắm tình hình, trao đổi thông tin ngày càng chặt chẽ, nhất là trong triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 28/8/2018 đã được các Bộ, ngành phối hợp với Tổng Liên đoàn triển khai nghiêm túc.

Tổng Liên đoàn và các Bộ, Ngành tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, trọng tâm là Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), các Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, chính sách Bảo hiểm xã hội. Tổng Liên đoàn đã tham gia tích cực và chủ động với vai trò thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, thống nhất đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.

Công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ được các cấp CĐ quan tâm thực hiện với nhiều kết quả tích cực. Nhân dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam và công nhân lao động kỹ thuật cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban, Bộ, ngành Trung ương đã dành thời gian thăm, chúc Tết và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp đẩy mạnh việc chăm lo cho người lao động.

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã có trên 4,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ Tết với tổng số tiền trên 3.024 tỷ đồng. Chương trình “Tết Sum vầy”, “Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn” đạt kết quả tích cực, tổng số đoàn viên được hưởng lợi là gần 2,8 triệu lượt người với số tiền hưởng lợi ước khoảng trên 563 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.000 căn nhà... 


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn phối hợp với bộ, ngành liên quan phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, gắn với phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Đặc biệt, cụ thể hóa thông điệp của Thủ tướng tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã xây dựng và ban hành chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” hướng tới mục tiêu phát huy vai trò của đội ngũ công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục đạt nhiều kết quả. Hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn 38.351 vụ cho 175.115 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 1.493 vụ cho 1.898 người lao động, đại diện khởi kiện tại Tòa án 569 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 02 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.608 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng. Công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt kết quả tích cực với 1.020 bản thỏa ước lao động tập thể ký mới, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết lên 29.896 bản.

Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động và các phong trào thi đua do công đoàn phát động, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia đăng ký thực hiện 3.059 đề tài với tổng số tiền 297,6 tỷ đồng, 117.096 sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn với tổng giá trị làm lợi 17.853,2 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn đã tổ chức gắn biển 05 công trình chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với tổng giá trị gần 2.880 tỷ đồng.

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và có bài phát biểu quan trọng ghi nhận những thành tích xuất sắc của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; đồng thời định hướng, gợi mở những nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.

Phối hợp chặt chẽ, bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng cho người lao động

Đánh giá việc thực hiện Thông báo số 319/TB-VPCP, Chủ nhiệm VP CP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao 15 nhiệm vụ cho các cơ quan phối hợp xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến nay đã thực hiện được 10/15 nhiệm vụ được giao. Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành cũng đã cùng trao đổi làm rõ thêm các nội dung, kiến nghị của Tổng Liên đoàn và các giải pháp tháo gỡ về xây dựng thiết chế Công đoàn; giải quyết quyền lợi của NLĐ khi DN nợ BHXH sau đó giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn; chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần cho NLĐ...

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành. Đối với 5 việc đang triển khai, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện.

Thủ tướng đề nghị, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nguời lao động, quan trọng nhất là những vướng mắc về thể chế chính sách, giải quyết những bức xúc của người lao động; đẩy mạnh tuyên tuyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bài trừ những thông tin chống phá, sai sự thật... Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành tìm ra nguyên nhân vướng mắc trong thể chế, pháp luật, từ đó giải quyết theo hướng ưu tiên cho nguời lao động khi doanh nghiệp phá sản.

Công đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng thể chế, tập trung nghiên cứu các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, giờ lao động; nâng cao chất lượng thoả ước lao động tập thể, tăng cường đối thoại; phối hợp tuyên truyền cho người lao động hiểu được việc Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nguời lao động, nhất là trong dịp lễ tết; quan tâm đến những lao động mất việc làm, điều kiện sống khó khăn; giám sát thực hiện an toàn thực phẩm cho nguời lao động. 

Cho rằng việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổng định và tiến bộ là hết sức cần thiết, Thủ tướng yêu cầu Công đoàn các cấp cần cử cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nhu cầu của người lao động, không để những việc bất thường xảy ra, củng cố mới quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn cần phải tổ chức nhiều cuộc đối thoại để giải quyết bức xúc của nhân dân, người lao động trong các khu công nghiệp công nghệ cao. "Nói mà không làm thì làm sao có ý nghĩa, nhất là với những đối tượng rất quan trọng là giai cấp công nhân", Thủ tướng khẳng định. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, việc xây dựng thiết chế công đoàn không phải là trách nhiệm riêng của tổ chức Công đoàn mà cần phân rõ trách nhiệm đối với mỗi bộ, ngành, nhất là các địa phương. Theo Thủ tướng, các địa phương phải giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước mắt hoàn thiện hệ thống thiết chế về nhà ở cho công nhân, lao động ở tỉnh Hà Nam, sau đó sẽ đồng loạt triển ở các tỉnh, thành phố...

"Giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt, là yếu tố để đảm bảo thành công trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập cuốc tế. Vì vậy công nhân phải nâng cao trình độ, làm chủ khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động luôn đi liền với thu nhập", Thủ tướng nhấn mạnh.