Một số suy nghĩ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, hiện đại

Đăng: 16:08 31-10-2014  |   Tác giả:   |   Nguồn:

I.Nhận thức về văn hóa doanh nghiệp Cảng: Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển trong suốt quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp; nó trở thành các giá trị, tập quán, bản sắc truyền thống ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động và đời sống tinh thần của mỗi thành viên trong doanh nghiệp.


 Văn hóa doanh nghiệp trước hết được biểu hiện qua sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ cung ứng được thị trường tín nhiệm qua thương hiệu; thương hiệu được khẳng định và gìn giữ lâu đời hoặc mất đi tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm,vì người tiêu dùng luôn có quyền lựa chọn những sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất. Trong xu thế hội nhập để phát triển và cạnh tranh gay gắt hiện nay, các Cảng biển khu vực miền Trung muốn tồn tại và phát triển phải xây dựng và duy trì nề nếp văn hóa đặc thù để phát huy được sức mạnh của toàn thể cán bộ công nhân viên vì mục tiêu hướng vào khách hàng, không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ.

Dịch vụ cảng biển ngày nay đang phát triển nhanh chóng với xu hướng hiện đại hóa, vì vậy việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp cảng – xây dựng thương hiệu mạnh đồng nghĩa với việc việc áp dụng các quy trình công nghệ bốc dỡ hàng hóa tiên tiến, hiện đại, làm tăng sức cạnh tranh là hết sức cấn thiết, bởi vì nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì Cảng khó có thể đứng vững và tồn tại.
Đã hàng trăm năm nay, người dân thành phố Đà Nẵng quá thân quen  với hình ảnh những con tàu biển sừng sững neo đậu trên bến Cảng, với tiếng còi tàu cất lên rộn rã khi vào, ra Cảng,với hình dáng những chiếc cần cẩu vươn cao, những đoàn xe tải nối đuôi nhau cùng người công nhân bốc xếp cần mẫn sớm khuya đưa hàng hóa qua bến cảng.Nhiều gia đình người dân thành phố đã gắn bó với bến Cảng qua các thế hệ bằng nhiều nghề khác nhau: bốc xếp, kiểm hóa,lái cần cẩu, thủy thủ tàu,sửa chữa cơ khí… Hoạt động của Cảng đã và đang diễn ra hàng thế kỷ nay tạo nên những thói quen, tập quán, những giá trị nghề nghiệp rất riêng, lâu đời và góp phần tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng của Thành phố Đà Nẵng – Thành phố Cảng.
Nhiều người dân thành phố cũng như công nhân viên Cảng đã có thói quen khi đi xa về là đến ngay bến Cảng để nhìn ngắm hình ảnh thân quen của những con tàu và những người công nhân bốc xếp đang tấp nập làm việc cho “đã nhớ ”. Như vậy, nỗi nhớ Cảng đã phản ánh đựợc sức sống mãnh liệt và những giá trị bản sắc do nhiều thế hệ công nhân cảng tạo nên, tức là văn hóa dân cảng đã lan tỏa và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của thị dân Đà Nẵng.
Để Cảng phát triển bền vững, bên cạnh những giá trị truyền thống văn hóa  là cần cù, chịu khó, không sợ nắng mưa, mở ca máng suốt ngày đêm, thân thiện với khách hàng trong nước và quốc tế, Cán bộ công nhân viên Cảng Đà Nẵng trong những năm qua đã không ngừng đổi mới tư duy, thích nghi với cơ chế thị trường đầy tính cạnh tranh, không ngừng sáng tạo để có các dịch vụ cung ứng ngày càng tốt hơn. Sự nỗ lực đó nhằm phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, lâu đời của dân cảng để tiếp tục xây dựng văn hóa Cảng luôn vươn tới cái đẹp hiện đại, tiên tiến, khẳng định giá trị thương hiệu hàng đầu trên thị trường.
Nói khác đi, xây dựng văn hóa cảng gắn liền với việc đào tạo nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn lực ngày càng chuyên nghiệp hơn, tiên tiến hơn để làm chủ các quy trình công nghệ bốc dỡ hiện đại,văn minh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho người lao động.

II.Những nỗ lực của Lãnh đạo Cảng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
1. Nỗ lực để bứt phá về chất lượng cung ứng dịch vụ
Tuyên bố về sứ mệnh và chiến lược của mình, Cảng Đà Nẵng luôn hướng đến mục tiêu “bến hiền, thuyền đậu”, “là điểm đến lý tưởng của các tàu biển”. Một sứ mệnh nghe ngắn gọn, giản đơn nhưng để cam kết thực hiện được với khách hàng là cả một quá trình phấn đấu không đơn giản. Cam kết thực hiện cho được tiêu chí đó là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên nền tảng văn hóa doanh nghiệp Cảng.
Nhận thức về khách hàng, về cách ứng xử với khách hàng đã có thay đổi tích cực và mang lại niềm tin cho khách hàng. Trước kia, quan niệm về khách hàng được hiểu hạn hẹp, đó chỉ là “chủ hàng”, người có hàng hóa đến nhận hàng hoặc xuất hàng tại Cảng. Ngày nay, quan niệm đó đã lỗi thời. Lãnh đạo Cảng đã có những khóa đào tạo nghiệp vụ, hội thảo về marketing để các cán bộ quản lý hiểu đúng hơn về khách hàng; đặc biệt học và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2000 vào quản lý khai thác Cảng; khái niệm và các biện pháp về “Chăm sóc khách hàng” được quán triệt đến các công nhân trực tiếp làm việc trong dây chuyền bốc dỡ hàng hóa. Quan niệm về khách hàng đã được mọi người hiểu đầy đủ và đúng nghĩa hơn. Theo đó, bên cạnh chủ hàng và chủ tàu là các khách hàng thường xuyên, gắn bó mật thiết, Cảng còn có nhiều cơ quan, doanh  nghiệp khác cũng là khách hàng quan trọng, như Cảng Vụ Hàng Hải, Công ty Hoa tiêu, Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu, Công ty Giám định, các công ty xuất nhập khẩu, các công ty vận tải bộ …Ngoài ra, các Phòng, Ban, Xí nghiệp trực thuộc Cảng cũng xem nhau như khách hàng- khách hàng nội bộ. Quan niệm đúng về  khách hàng để từ đó tạo nên cách ứng xử tốt với khách hàng, để mọi cán bộ công nhân viện hiểu sâu hơn, đúng hơn chức năng nhiệm vụ của mình, để sự phối kết hợp trong tác nghiệp luôn gắn bó, nhịp nhàng, để thói quen cửa quyền, hành vi vòi vĩnh từng bước được hạn chế, đẩy lùi và tiến tới loại bỏ hòan toàn.Những đường dây nóng được thiết lập công khai từ Xí nghiệp Cảng đến Lãnh đạo cao nhất trong Cảng, đến các Phòng nghiệp vụ.Từ đó, những yêu cầu chính đáng của khách hàng được giải quyết kịp thời, công khai.
Tiêu chí “bến hiền thuyền đậu” được cụ thể hóa bằng năng suất và chất lượng bốc dỡ hàng nêu trong Hợp đồng bốc xếp, giao nhận, lưu kho do Cảng và khách hàng ký kết. Đạt năng suất cao, an toàn cho dịch vụ, quay vòng tàu – hàng nhanh là tiêu chí của “bến hiền”. Cảng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở (cầu bến, kho bãi, đường giao thông…), để có quy trình bốc dỡ hàng container với phương tiện thiết bị hiện đại, với hệ điều hành CATOS tiên tiến, để có quy trình bốc dỡ, đóng gói hàng rời, hàng thép phế liệu có tính cơ giới hóa cao, an toàn, hạn chế tổn thất hàng ở mức thấp nhất, để có những chiếc cần cẩu hiện đại, chuyên dùng bốc các kiện thiết bị nặng đến 65 tấn, để có hệ thống băng tải xuất hàng dăm gỗ đạt năng suất cao nhất. Nhờ đó, năng suất tấn/ ngày tàu của đa số các mặt hàng đều tăng từ 50 –100 % trong 5 năm qua. Bến container tại cảng Tiên Sa đã khẳng định vị trí hiện đại nhất miền Trung.
Không chỉ tiếp nhận tàu hàng, những năm qua, Cảng còn tiếp nhận hàng trăm lượt tàu du lịch với hàng chục ngàn lượt khách quốc tế đến tham quan khu vực miền Trung. Dịch vụ cho tàu khách do cảng cung ứng luôn đảm bảo phương châm “an toàn, kịp thời, hiệu quả nhất”, Cảng đã  làm hết khả năng của mình để lịch trình của tàu khách đựợc đảm bảo, khách không bị lỡ “tour”. Du khách và các công ty du lịch lữ hành đến cảng thường xuyên làm phong phú thêm hoạt động cũng như bản sắc văn hóa của cảng trong thời kỳ đất nước hội nhập.
2. Nỗ lực để đạt phương thức quản lý tiên tiến, cải cách thủ tục hành chính
Lãnh đạo Cảng rất quan tâm đến công nghệ thông tin và luôn  khuyến khích các biện pháp ứng dụng có hiệu quả vào công tác quản lý, công tác marketing. Cảng đã đầu tư nguồn lực và cải tiến nhiều lần để có trang Website với nội dung phong phú, hiện đại với hàng ngàn lượt khách truy cập hàng ngày, trang web “www.danangportvn.com” trở thành một cửa ngõ để Cảng tiếp thị sản phẩm của mình đến khách hàng khắp nơi trên toàn thế giới. Qua đây, khách hàng nắm được nguồn lực, tiềm năng của Cảng để chủ động lập kế hoạch vận chuyển hàng đến cảng.
Mạng thông tin nội bộ tiện ích để các Xí nghiệp, Phòng Ban trao đổi thông tin, cập nhật các số liệu thống kê. Với phần mềm CTOS, nghiệp vụ quản lý khai thác cảng đã khá hoàn hảo, mọi diễn biến tình hình khai thác tại cảng được phản ánh và theo dõi, kiểm soát kịp thời, chính xác.
Quy trình bố trí cầu bến cho các tàu được cải cách hành chính từ  năm 2005, các yêu cầu về cầu bến và xác nhận việc bố trí cầu bến trước kia sử dụng công văn gửi qua bưu điện hoặc Đại lý/ Chủ tàu mang trực tiếp đến Cảng, nay được thay thế bằng bản fax hoặc Email trên vi tính. Khách hàng trên toàn quốc chỉ việc “nhấp chuột” là nhận được chính xác kế hoạch tàu cập bến. Tác nghiệp này được thực hiện cho hàng ngàn lượt tàu ra vào cảng mỗi năm, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hành chính,đi lại cho khách hàng.
Những nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng về khách hàng đã đạt được các kết quả khả quan, bằng chứng là qua Phiếu thăm dò ý kiến khách hàng những năm gần đây, có đến trên 90 % ý kiến hài lòng với chất lượng dịch vụ cũng như cách ứng xử với khách hàng của Cảng.
3. Nỗ lực phát huy nét văn hóa ứng xử truyền thống 
Để phát huy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, Cảng tổ chức một số hoạt động sau:
Đã thành thông lệ, Lễ đón mã hàng đầu năm tại cầu tàu với sự có mặt của Lãnh đạo Cảng, Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, cán bộ công nhân viên trong dây chuyền bốc xếp tại tàu và đại diện chủ tàu, chủ hàng; buổi lễ như một thông điệp đầu năm khẳng định sự đoàn kết nhất trí, vì mục tiêu hướng về khách hàng để  hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm của tập thể cán bộ công nhân viên cảng.
Với các tàu nghỉ Tết tại Cảng, Lãnh đạo cảng tặng  hoa và quà Tết cho tàu để bày tỏ sự thân thiện, mong muốn các vị khách đón xuân vui khỏe, an toàn trên bến cảng, coi cảng là nhà.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, Lãnh đạo Cảng tổ chức gặp mặt toàn thể cán bộ công nhân viên làm công tác quản lý để tạo không khí đầm ấm, vui tươi, đoàn kết cùng nhau bước vào năm mới.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập, Lãnh đạo Cảng đã tổ chức xây dựng Phòng truyền thống, biên soạn lại lịch sử xây dựng và phát triển cảng. Đây là sự kiện lớn nhằm để lại dấu ấn văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Họ sẽ có điều kiện hiểu rõ truyền thống và bản sắc riêng của dân Cảng, tự hào được là dân Cảng, thấy những khó khăn thách thức đã được thế hệ đi trước vượt qua, tạo động lực và quyết tâm để họ xây dựng Cảng Đà Nẵng luôn vững bước đi lên.
Nét đẹp về đời sống, bản sắc riêng của dân cảng đã được Anh Hoàng Dũng, nhạc sỹ nghiệp dư đang làm việc tại Phòng Hành chính Cảng, phản ánh qua nhiều sáng tác về thể loại kịch, ca múa; nhiều tiết mục sáng tác và dàn dựng của anh cho đội văn nghệ Cảng khi tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng của ngành đường biển đã đạt Huy chương vàng. Phải chăng, chính những nét đẹp văn hóa tại đây đã tạo cho anh những cảm hứng chân thật, sống động, thắm tình đồng nghiệp để các tác phẩm văn nghệ đạt chất lượng cao.
Nhìn lại những nỗ lực của Lãnh đạo Cảng đã và đang tiến hành nhằm xây dựng một Cảng Đà Nẵng hiện đại nhưng không mất đi bản sắc văn hóa đã in sâu trong lòng người dân thành phố từ hàng trăm năm nay, chúng ta tin tưởng rằng sự phát triển của cảng chính là sự phát huy nét đẹp văn hóa của dân cảng. Người dân Đà Nẵng nói chung và cán bộ công nhân viên cảng Đà Nẵng nói riêng sẽ mãi nhớ, mãi quen hình ảnh những chiếc cần cẩu vươn dài cổ như những con hươu để tiếp đón những con tàu biển từ khắp năm châu đến ăn hàng tại đây và âm thanh đón chào năm mới trong đêm giao thừa của thành phố này không thể thiếu những hồi còi cất lên từ những con tàu biển đang neo đậu trên Cảng. Nét văn hóa, đời sống dân cảng sẽ mãi mãi phát triển cùng Đà Nẵng – thành phố Cảng.

 

Theo Anh Vũ – Cảng Đà Nẵng