Đăng: 08:16 23-11-2024 | Tác giả: Chu Linh | Nguồn: Công đoàn TCT
Trụ sở Công đoàn Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam
Ngày 25/11/1996, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được thành lập trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 03 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thành lập Công đoàn các Tổng công ty 90, 91 và sự cần thiết thành lập công đoàn ngành nghề. Ngày đầu thành lập, Công đoàn Tổng công ty có 30 công đoàn cơ sở với gần 18.000 đoàn viên. Các cấp công đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn đã xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, thực hiện quy chế dân chủ, tham gia quản lý, phát động phong trào thi đua, kiểm tra giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động CNVCLĐ phát huy tiềm năng, nguồn lực để đổi mới doanh nghiệp, tăng cường đầu tư phát triển đội tàu, mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng biển, thị trường dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề; chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Đến năm 2008, tổ chức Công đoàn phát triển tăng thêm 21 Công đoàn cơ sở và gần 10.000 đoàn viên so với ngày đầu mới thành lập. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được nâng lên, mọi quyền lợi hợp pháp, chính đáng đều được đảm bảo và cao hơn luật định, trách nhiệm xã hội được Tổng công ty quan tâm thực hiện đầy đủ.
Từ cuối năm 2008, do ảnh hưởng khách quan của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, cùng với đó cũng có những nguyên nhân chủ quan đã tác động tiêu cực đến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là khối Vận tải biển, đến việc làm, tiền lương, quyền lợi, phúc lợi, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, sỹ quan, thuyền viên. Đến năm 2012, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế, công đoàn các cấp đã chủ động đồng hành với chuyên môn tổ chức triển khai thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại, thương lượng. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại nguồn nhân lực sau tái cơ cấu, xây dựng và giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động… nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cảng Tiên Sa - Cảng Đà Nẵng
Kể từ năm 2018, khi Tổng công ty về cơ bản thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa với kết quả sản xuất kinh doanh ở cả 3 khối, đặc biệt là Khối cảng biển dần khởi sắc, việc làm, tiền lương, quyền lợi, phúc lợi, đời sống của đoàn viên, NLĐ được nâng lên đã cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm, nỗ lực đoàn kết vượt khó của tập thể lãnh đạo chuyên môn, công đoàn và người lao động. Bước vào những ngày đầu tiên của năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến với những tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ và ngành Hàng hải - một trong những ngành kinh tế có độ mở lớn đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, tận dụng những thời cơ đối với ngành nghề trong mùa dịch, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp đã quyết liệt, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn đúng, trúng, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, tiết giảm tối đa chi phí quản lý, tập trung cho các hoạt động chăm lo việc làm, tiền lương, điều kiện lao động, đời sống, phúc lợi cho NLĐ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” khẳng định quan điểm chỉ đạo: Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Và, đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế và phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, NLĐ và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Người Lao động ngành Hàng hải
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đất nước, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn quyết liệt trong thực hiện chức năng cốt lõi của mình thông qua việc tham gia quản lý, cùng với chuyên môn xây dựng nội quy, quy chế, quy định liên quan đến quyền lợi của người lao động; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; tổ chức gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ để “nghe người lao động nói, nói người lao động nghe”, qua đó ghi nhận, trao đổi và kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ những vấn đề bức xúc, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Minh chứng là trong nhiều năm qua, trong toàn hệ thống Công đoàn Tổng công ty không có đình công, lãn công; việc làm, tiền lương, quyền lợi, phúc lợi của NLĐ được đảm bảo; tư tưởng của đoàn viên ổn định, tin tưởng vào doanh nghiệp, tổ chức công đoàn.