Làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp công nhân

Đăng: 21:25 22-11-2024  |   Tác giả: Kiều Vũ - Hải Nguyễn  |   Nguồn: Báo Lao Động

Hà Nội – Hội thảo khoa học Quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam.

 

Làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp công nhân
Hội thảo làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Lực lượng kết tinh trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh, tinh thần yêu nước

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng.

GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn

Về lý luận, các ý kiến tham luận đều khẳng định, giai cấp công nhân là lực lượng kết tinh trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh, tinh thần yêu nước, yêu lao động của dân tộc Việt Nam thời đại mới; là cơ sở chính trị - xã hội trọng tâm của Đảng và Nhà nước; là đội ngũ nòng cốt trong khối liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ưu việt theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra thuận lợi, thời cơ cũng như nhiều thách thức, làm thay đổi cơ bản về tư duy, cách suy nghĩ, cách làm, cách sống của giai cấp công nhân; tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cũng có nhiều tác động đến giai cấp công nhân.

Về thực tiễn, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và 10 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 25.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân từng bước được nâng cao; việc làm ổn định; tiền lương, thu nhập được cải thiện; môi trường làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh, lao động; quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, các cuộc tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể giảm…

GS,TS. Tạ Ngọc Tấn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong kết luận Hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nêu: Vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân hiện nay phải giải quyết hài hòa cả lý luận và thực tiễn; cần phải tiếp tục làm rõ hơn, tư duy về một giai cấp hiện đại, mang tính chất của kỷ nguyên mới, hiện đại về tư tưởng, tư duy, về phong cách lao động, về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý. Xây dựng giai cấp công nhân có giá trị toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt Nam; giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa giai cấp công nhân với Đảng và hệ thống chính trị, trong đó giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thông qua Đảng tiền phong. Để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh thì cần phải đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước

Từ thực tế các tham luận, ý kiến thảo luận thống nhất quan điểm, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cấp, các ngành cần thực hiện một số giải pháp.

Một trong số đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện mới. Đổi mới nội dung nghiên cứu về giai cấp công nhân, có những dự báo khoa học về xu hướng phát triển, về sự phân tầng, mối quan hệ nội bộ giai cấp công nhân và với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội, về vai trò làm chủ của giai cấp công nhân, về vấn đề trí thức hóa giai cấp công nhân, về những xu hướng diễn biến tư tưởng trong giai cấp công nhân; hoàn thiện những luận cứ khoa học, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra về giai cấp công nhân, khắc phục những nhận thức không đầy đủ về giai cấp công nhân làm cơ sở lý luận và thực tiễn đề ra chủ trương, giải pháp giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh trong tình hình mới; điều tra, khảo sát nắm bắt dư luận xã hội trong giai cấp công nhân, khả năng tiếp cận và thụ hưởng chính sách của giai cấp công nhân.

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị. Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; mở rộng độ bao phủ của Công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp để tập hợp, phát triển đoàn viên; thu hút người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn từ hiệu quả của việc chăm lo lợi ích; xây dựng và củng cố niềm tin thông qua hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng để đoàn viên, người lao động gắn bó với tổ chức Công đoàn; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn, vừa đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, nhất là quan điểm phát triển Công đoàn Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước đối với giai cấp công nhân; ban hành nghị quyết mới về xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh làm tiền đề để xây dựng Chiến lược phát triển giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đặc biệt xây dựng đội ngũ công nhân trí thức; giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng phải đi đôi với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; củng cố và tăng cường liên minh giai cấp công nhân - nông dân - trí thức; có giải pháp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai lệch, phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Hải Nguyễn
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang: Hội thảo khoa học là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu về lý luận, thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, đây là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân…