Đăng: 15:02 31-07-2024 | Tác giả: Nhóm PV | Nguồn: Báo Lao Động
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc cho các đại biểu tại Lễ ra mắt sách. Ảnh: T.Vương
Tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhờ có đoàn kết mà chúng ta chiến thắng đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; về cơ bản “làm đủ ăn”, “xuất đủ nhập”, “thu đủ chi”; có tích lũy để cải cách tiền lương và đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, kinh tế qua các năm đều tăng trưởng liên tục. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; năm 2023 tăng trưởng kinh tế ở mức 5,05%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (tháng 10.2023) đã bàn thảo và ra một nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ngay sau đó, tháng 11.2023, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từng nhiều lần chia sẻ, quán triệt về nội dung cuốn sách, ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - chia sẻ, đây là một cuốn sách rất quý, tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, được nghiên cứu, phân tích sâu sắc, tập hợp tư liệu, hình ảnh, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các tầng lớp trong xã hội.
Đó là những tư tưởng vượt trội, tầm nhìn sâu rộng, biện chứng, thực tiễn về đại đoàn kết toàn dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Văn phong mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, sâu lắng, đi vào lòng người. Nội dung cuốn sách toát lên tư tưởng lớn, tình cảm chân thành của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Cuốn sách sẽ là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay” - ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho hay, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (Nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành).
Nghị quyết 43 đã xác định mục tiêu: Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những nội dung này đã được cụ thể hóa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết qua các bài nói, bài phát biểu của người đứng đầu Đảng ta.
Theo ông Tạ Văn Hạ, việc lan tỏa cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc chính là một bước rất quan trọng trong nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.