Đăng: 17:03 06-02-2024 | Tác giả: | Nguồn: https://chinhphu.vn/
Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc
Sáng 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng tham dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về tình hình hoạt động năm 2023, kế hoạch hoạt động, triển khai sản xuất kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế xã hội của các doanh nghiệp, hội nghị đã nghe các doanh nghiệp, bộ, ngành, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới và nêu các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gắn với trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị cụ thể và thời hạn hoàn thành; đồng thời, xác định lộ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách và pháp luật liên quan.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua và năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nỗ lực cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Ủy ban đã tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, tài sản công, sắp xếp đất đai... Ủy ban đã cùng các tập đoàn, tổng công ty nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai, hoàn thành nhiều dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng năng lượng, giao thông - vận tải trong năm 2023, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ nhiều năm.
Các dự án cụ thể gồm: Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023); đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023), xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023)…
19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã cơ bản duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, trong đó hầu hết hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách Nhà nước; lợi nhuận và nộp ngân sách cao hơn năm 2022, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Năm 2023, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vị trí, vai trò chủ lực, nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước như năng lượng, hạ tầng giao thông, vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp, nông nghiệp... Các doanh nghiệp này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cung ứng ổn định các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho doanh nghiệp, người dân như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, là tiền đề căn bản và động lực quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... Các tập đoàn, tổng công ty cũng làm tốt các công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người lao động.
Tại hội nghị, theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đã nhấn mạnh những kết quả, điểm sáng nổi bật, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của từng doanh nghiệp và nêu các đề xuất, kiến nghị.
Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể cả về kết quả, thành công và tồn tại, hạn chế của các tập đoàn, tổng công ty như đường dây 500 kV mạch 3 của EVN mãi không triển khai được trong nhiều năm nhưng đang được quyết liệt xây dựng và dự kiến hoàn thành trong 6 tháng; PVN sau một thời gian gặp khó khăn thì những năm gần đây đã hoạt động đạt kết quả rất tích cực; Tổng Công ty Cảng hàng không những năm trước đây ì ạch nhưng đến năm nay có nhiều nỗ lực chuyển biến, nhất là trong xây dựng sân bay Long Thành; Tổng Công ty Đường sắt sau nhiều năm thua lỗ đã có những đổi mới hiệu quả và có lãi trong năm 2023; những chuyển biến trong triển khai chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn sau hàng chục năm chậm trễ…
Thủ tướng cũng lấy ví dụ, năm 2023, Chính phủ chỉ đạo tăng cường xuất khẩu gạo trong lúc giá tăng, thì cũng có những ý kiến ngần ngại trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp. Song theo Thủ tướng, vòng đời cây lúa hiện nay chỉ khoảng 3 tháng, dự trữ gạo được bảo đảm, cần tận dụng thời cơ để xuất khẩu. Kết quả là chúng ta vừa xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, vừa bảo đảm cân đối lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
Cũng về nội dung này, lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phấn khởi khi gần đây, Việt Nam đạt thỏa thuận về thương mại gạo cấp Chính phủ với Indonesia và Philippines – cũng là 2 nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Ngay sau đó, những ngày cuối tháng 1 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng áp đảo khi giành được khoảng 350.000 tấn trong gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia. Tổng công ty đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa nội dung về thương mại gạo vào nội dung trao đổi với lãnh đạo cấp cao các nước thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp; đề nghị các cơ quan tiếp thu các ý kiến xác đáng, hoàn thiện, trình ban hành văn bản phù hợp sau hội nghị để tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước năm 2023, nhất là về tăng trưởng GDP, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội.