Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn - Nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở

Đăng: 02:47 11-01-2021  |   Tác giả: Tố Hảo  |   Nguồn: Congdoan.vn

Ngày 8/1, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo khoa học “Nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở”. Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) dự và trao đổi tại Hội thảo.

Tham dự có ông Vũ Minh Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn và 50 đại biểu đến từ 20 công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Công đoàn ngành Trung ương.

Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, Công đoàn Việt Nam đã trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, là một tổ chức chính trị - xã hội rộng hơn với hơn 10 triệu đoàn viên và là tổ chức duy nhất đại diện cho đoàn viên và người lao động trong cả nước.

Trong giai đoạn hiện nay, với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy định về lao động và việc thông qua Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện tại cơ sở ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới cơ bản nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp.

Công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là hai cấp quan trọng đảm bảo sự tồn tại và phát triển của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tổng hợp các nhiệm vụ công đoàn cơ sở phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Tố tụng dân sự, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Doanh nghiệp... thì công đoàn cơ sở có tất cả 25 đầu việc phải làm với 72 nhiệm vụ vụ thể.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các đại biểu tham dự cần thảo luận và làm rõ nhiệm vụ của từng cấp công đoàn, việc trọng tâm, cốt lõi của mỗi cấp công đoàn. Đó cũng là nhiệm vụ đặc thù, gắn liền với quy định của pháp luật dành riêng cho tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động.

Nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của công đoàn gắn liền với việc giải quyết những vấn đề sát sườn với người lao động, là gắn kết với số đông đoàn viên, người lao động; có sự phối hợp, hợp tác với người sử dụng lao động nhưng phải rõ vai trò đại diện của tổ chức công đoàn; có trợ lực từ các nguồn lực xã hội để hoạt động công đoàn ngày càng tốt... Khi các vấn đề người lao động gặp phải là khác nhau thì nhiệm vụ trọng tâm cụ thể của công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp cũng không giống nhau.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, trong tình hình mới, nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vẫn là đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, cán bộ công đoàn phải có giải pháp căn cơ, lộ trình, khôn khéo để thực hiện, không đối đầu với người sử dụng lao động nhưng cung không được thỏa hiệp với người sử dụng lao động, từ đó đạt được mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đối với nhiệm vụ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là tạo cho công đoàn cơ sở mạnh hơn. Công đoàn cấp trên tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở, nhất là ở những việc công đoàn cơ sở chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên đánh giá, ghi nhận công đoàn cơ sở; có chính sách để chăm lo cho công đoàn cơ sở.