Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng cuối cùng của năm 2020

Đăng: 08:00 01-12-2020  |   Tác giả: Tú Quỳnh  |   Nguồn: LDO

LĐO - Trong tháng cuối cùng của năm 2020, có rất nhiều chính sách quan trọng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội sẽ chính thức có hiệu lực.


Nhiều chính sách mới quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 12.2020. Ảnh minh hoạ: LDO

1. Phải kiểm tra nữ tử tù có thai không trước khi tử hình

Từ ngày 1.12.2020, Thông tư liên tịch số 02 năm 2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực.

Theo đó, nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, xác định người này có thai hay không.

Ngoài ra, nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi tử hình (trong thời gian giam giữ chờ thi hành án hoặc trên đường áp giải đến địa điểm tử hình) thì phải xác định nguyên nhân chết.

Sau khi xác định xong và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi của người này về mai táng hoặc tổ chức mai táng.

2. Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ ngày 1.12.2020, Nghị định 119/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.

Cụ thể:

- Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: Phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1 - 3 triệu đồng).

- Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5 - 10 triệu đồng).

- Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: Phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 - 30 triệu đồng).

Trong cả 3 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng).

3. Phạt đến 10 triệu đồng khi làm mất hoá đơn

- Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 5.12.2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.

Cụ thể, mức phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế

- Phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng)

- Phạt từ 4 - 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…

- Phạt từ 8 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.

4. Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5.12.2020.

Theo đó, trước đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

5. Phạt đến 50 triệu đồng khi khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh

Ngày 10.12.2020, Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định chính thức có hiệu lực.

Theo đó:

- Phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 5 - 10 triệu đồng.

- Phạt từ 5 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 - dưới 70 triệu đồng.

- Phạt từ 15 - 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 - dưới 100 triệu đồng;

- Phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.