Hội thảo thuyền viên VIMC: Cần chung tay tháo gỡ khó khăn của nhiều cơ quan chức năng

Đăng: 09:08 16-07-2020  |   Tác giả:   |   Nguồn: vimc.co

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến về công tác thuyền viên với các doanh nghiệp vận tải biển thành viên.

Trong năm 2019 chi phí bảo quản, bảo dưỡng cho đội tàu ngày càng tăng, các quy định của các luật, công ước liên quan đến ngành hàng hải ngày càng xiết chặt khiến các doanh nghiệp vận tải biển có vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam càng thêm khó khăn. Thêm vào đó, từ đầu năm 2020, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng lớn đến công việc và đời sống của thuyền viên (không thay được thuyền viên, ốm đau không có điều kiện lên bờ chữa, thuyền viên nghỉ ở nhà không có điều kiện làm việc tiếp, thủ tục và chi phí cách ly tốn kém..), khiến cho công tác thuyền viên tại các doanh nghiệp vận tải biển đã khó khăn lại càng thêm phần thách thức.

Mặc dù chế độ đãi ngộ, lương thưởng đã được cải thiện nhiều và ngay cả lúc các doanh nghiệp khó khăn nhất thuyền viên không bị giảm lương, thu nhập, thì so với nhiều công việc trên bờ, nghề thủy thủ cũng không còn hấp dẫn như trước. Việc tuyển dụng, đào tạo và bố trí thuyền viên, đặc biệt là thủy thủ và thợ máy trong nước gặp khó khăn khiến không ít doanh nghiệp đã phải đi thuê thuyền viên là người nước ngoài.

Hội thảo Thuyền viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đi đến thống nhất, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hướng tới sự ổn định và phát triển cho nguồn lao động thuyền viên đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp vận tải biển mà còn cần phải có sự chung tay của các ngành chức năng khác.

Trước hết, các công ty vận tải biển cần cắt giảm các chi phí chưa hợp lý để lấy nguồn tăng thu nhập cho thuyền viên, cải thiện điều kiện sống và làm việc của thuyền viên trên các tàu. Bên cạnh đó, thuyền viên cần tăng cường học hỏi và thường xuyên nâng cao tay nghề để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của trang thiết bị trên tàu đồng thời có điều kiện yêu cầu chủ tàu tăng lương cũng như bảo đảm an toàn hàng hải.

Những giải pháp tháo cần sự hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan liên quan

Hội thảo cũng thống nhất một số kiến nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét giải quyết một số vấn đề như: căn cứ Điều 166 của Bộ luật Lao động 2020 để xây dựng các Nghị định hướng dẫn với tinh thần tăng thêm chính sách ưu đãi cho nghề đi biển, bỏ quy định bảo hiểm y tế đối với thuyền viên trong thời gian làm việc trên tàu, vì trong thời làm việc trên tàu đã có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (P&I) mà chủ tàu đã mua,…Các chế độ chính sách cho thuyền viên còn nhiều bất cập như nghỉ hưu 55 tuổi nhưng không đủ 35 năm công tác để hưởng tối đa lương hưu, mua BHYT nhưng không có điều kiện để hưởng khi ốm đau, thời gian đóng BHXH, BHYT bị gián đoạn ảnh hưởng đển quyền lợi, không có ưu đãi đặc biệt cho nghề đi biển,…

Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các trường ĐHHH, CĐHH để lên chương trình tuyển dụng nguồn học sinh với các chính sách ưu đãi hơn (học tại địa phương, đảm bảo đầu ra, hỗ trợ học phí,.. ) tại các vùng/khu vực có nhiều tiềm năng về thanh niên trẻ, chưa có công việc ổn định, thu nhập thấp,…

Ngoài ra, công tác truyền thông nói chung cần chia sẻ với ngành vận tải biển và nghề đi biển, cùng chung tay để quảng bá những ưu việt của nghề đi biển (thu nhập ổn định, các chính sách bảo hiểm của P&I, của luật lao động Việt Nam, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp,…) cũng như vai trò to lớn và quan trọng của vận tải biển cũng như của thuyền viên (vận tải biển chiếm hơn 90% nhu cầu của thế giới nên không có thuyền viên thì sẽ ảnh hưởng như thế nào…) trong hoạt động kinh tế thế giới và đời sống hàng ngày…