Cuộc họp Ban Quản lý Dự án Nâng cao chất lượng thuyền viên Việt Nam (VSUP) lần thứ 72: Tăng cường làm việc với các chủ tàu và công ty cung ứng thuyền viên để nâng cao số lượng và chất lượng học viên cho Dự án

Đăng: 06:52 05-02-2020  |   Tác giả: CDL  |   Nguồn: Công đoàn TCT

Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp Ban Quản lý Dự án VSUP lần thứ 72 được tổ chức vào ngày 31/01/2020 tại Hà Nội.


Tham dự cuộc họp, về phía Việt Nam có bà Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn LĐVN, ông Lê Phan Linh - Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn LĐVN, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; ông Nguyễn Hùng Dương - Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Tổng công ty và các đồng chí đại diện lãnh đạo Công đoàn Tổng công ty. Về phía Nhật Bản có ông Ikeya Yoshiyuki - Trưởng Ban Quốc tế Công đoàn Thủy thủ toàn Nhật Bản (JSU), ông Imada Shunsuke - Phó Chủ tịch Hiệp hội thuyền viên quốc tế Nhật Bản (IMMAJ) cùng một số đại biểu đến từ JSU, IMMAJ và Công ty Inlaco Japan.


Tại cuộc họp, cả 2 phía Việt Nam và Nhật Bản đều nhất trí cao về hiệu quả của Dự án trong việc góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam phục vụ đội tàu trong nước và quốc tế, trong đó có đội tàu Nhật Bản. Hai bên cũng đã thống nhất thông qua các báo cáo quản lý, điều hành, công tác tài chính của Dự án VSUP và các khóa học ngắn hạn của Dự án (VSUP - Short Course) trong năm 2019, kế hoạch đào tạo năm 2020. Theo đó, Dự án sẽ có một số điều chỉnh về thời gian và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của các công ty tiến cử học viên nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo và nằm trong khả năng tài chính của Dự án.

Các đại biểu thống nhất nhận định, do ảnh hưởng từ sự suy thoái kéo dài của ngành vận tải biển thế giới, những vấn đề an ninh hàng hải, tình hình cướp biển, xung đột thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt việc các Công ước quốc tế trong lĩnh vực hàng hải như Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (Công ước BWM 2004), quy định của IMO về sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) đã tăng gánh nặng tài chính lên các công ty vận tải biển, giảm cơ hội việc làm, tiền lương, từ đó làm mất đi sự hấp dẫn của nghề đi biển. Chính điều này đã làm cho số lượng và chất lượng học viên tham gia học tại Dự án cũng giảm sút, theo đó Dự án không hoàn thành kế hoạch đào tạo năm 2019. Các đại biểu đến từ Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chia sẻ những giải pháp trước mắt để tăng số lượng học viên của Dự án và những giải pháp lâu dài để đảm bảo chất lượng học viên. Đại diện phía Nhật Bản (IMMAJ và Inlaco Japan) cũng có những thông tin về tình hình ngành vận tải biển của Nhật Bản, về nhu cầu nguồn nhân lực thuyền viên cho đội tàu Nhật Bản cũng như chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm về đào tạo đối với thuyền viên Việt Nam.

Các thành viên Ban Quản lý Dự án giao Văn phòng Ban quản lý Dự án tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình, thời lượng và bố trí giáo viên giảng dạy cho phù hợp với mục tiêu của Dự án và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp vận tải biển và công ty cung ứng thuyền viên, cố gắng hoàn thành kế hoạch đào tạo năm 2020 cả về số lượng và chất lượng./.