Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016: Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam

Đăng: 14:12 08-12-2016  |   Tác giả: CDL  |   Nguồn: Công đoàn Tổng công ty

Tại Hội nghị AIDS toàn cầu vào tháng 7/2014, Liên hợp quốc đã đưa ra ba mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020; đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.


Để hưởng ứng mục tiêu này, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 do Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2016 tiếp tục được thực hiện theo chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.


Các mục tiêu 90 - 90 - 90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được cả 3 mục tiêu quan trọng này, chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.



Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu này. Mặc dù trong quá trình thực hiện, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra. Điều này đòi hòi sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.



Thực hiện được những mục tiêu này không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và có tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thành công các mục tiêu 90 - 90 - 90 sẽ không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với đất nước và người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030./.