Giới thiệu khái quát về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đăng: 16:29 03-12-2015  |   Tác giả: VL.  |   Nguồn: Công đoàn Tổng công ty

Bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, luôn được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp qua các thời kỳ. Để tổ chức thực hiện chính sách này, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt với sự ra đời của Luật Bảo hiểm xã hội (được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006) đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và bổ sung các chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Sau 07 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong quá trình 07 năm thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động). Bảo hiểm xã hội tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế thì số người tham mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia.

Thứ hai, tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Thứ ba, một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Thứ tư, hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa bảo tồn được giá trị của quỹ, lãi suất đầu tư luôn ở dưới chỉ số tăng giá tiêu dùng.

Thứ năm, quy định về chi phí quản lý của tổ chức bảo hiểm xã hội còn chưa phù hợp: Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định tổ chức bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp nhưng lại quy định chi phí quản lý của tổ chức bảo hiểm xã hội bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ sáu, quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa thật thuận tiện, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội còn hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thống kê, điều hành, giám sát chưa có sự liên thông trong hệ thống từ đó dẫn tới những khó khăn trong đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội.

Thứ bảy, Luật Bảo hiểm xã hội chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Thứ tám, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2009 là 81,8%, năm 2010 là 76,3%; năm 2011 là 77%; năm 2012 là 68,6% và năm 2013 là 76,6%.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, để khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, kịp thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách bảo hiểm xã hội thì việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13. Luật đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 16/2014/L-CTN ngày 04/12/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 9 chương và 125 điều và kế thừa kết cấu của Luật hiện hành trên cơ sở bỏ một chương về bảo hiểm thất nghiệp, (chuyển nội dung bảo hiểm thất nghiệp sang Luật Việc làm); gộp Chương IX "Khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội" và Chương X "Khen thưởng và xử lý vi phạm" của Luật hiện hành thành một chương.

1. Chương 1. Những quy định chung
Chương này gồm 17 điều (từ Điều 1 đến Điều 17), quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; các chế độ bảo hiểm xã hội; nguyên tắc bảo hiểm xã hội; chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội; nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; hiện đại hoá quản lý bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính về bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp về bảo hiểm xã hội; thanh tra bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động; chế độ báo cáo, kiểm toán; các hành vi bị cấm.

2. Chương 2. Quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội
Chương này gồm 6 điều (từ Điều 18 đến Điều 23), quy định về: Quyền của ng¬ười lao động; trách nhiệm của ng¬ười lao động; quyền của ngư¬ời sử dụng lao động; trách nhiệm của ngư¬ời sử dụng lao động; quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Chương 3. Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Chương này gồm 48 điều (từ Điều 24 đến Điều 71), chia thành 05 mục:
- Mục 1. Chế độ ốm đau (từ Điều 24 đến Điều 29) quy định về: Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau; điều hiện hưởng chế độ ốm đau; thời gian hưởng chế độ ốm đau; thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau; mức hưởng chế độ ốm đau; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau.
- Mục 2. Chế độ thai sản (từ Điều 30 đến Điều 41) quy định về: Đối tượng áp dụng chế độ thai sản; điều hiện hưởng chế độ thai sản; thời gian hưởng chế độ khi khám thai; thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thời gian hưởng chế độ khi sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ khi mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi; thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; mức hưởng chế độ thai sản; lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
- Mục 3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ Điều 42 đến Điều 52) quy định về: Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động; điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp; giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần; trợ cấp hằng tháng; thời điểm hưởng trợ cấp; phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; trợ cấp phục vụ; trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.
- Mục 4. Chế độ hưu trí (từ Điều 53 đến Điều 65) quy định về: Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí; điều kiện hưởng lương hưu; điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động; mức lương hưu hằng tháng; điều chỉnh lương hưu; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; thời điểm hưởng lương hưu; bảo hiểm xã hội một lần; bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần; điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội; tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư.
- Mục 5. Chế độ tử tuất (từ Điều 66 đến Điều 71) quy định về: Trợ cấp mai táng, các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, mức trợ cấp tuất hằng tháng; các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần, mức trợ cấp tuất một lần, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

4. Chương 4. Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chương này gồm 10 điều (từ Điều 72 đến Điều 81), chia thành 02 mục:
- Mục 1. Chế độ hưu trí (từ Điều 72 đến Điều 79) quy định về: Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí; điều kiện hưởng lương hưu; mức lương hưu hằng tháng; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; thời điểm hưởng lương hưu; bảo hiểm xã hội một lần; bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu; mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Mục 2. Chế độ tử tuất, bao gồm Điều 80 và Điều 81, quy định về trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.

5. Chương V. Quỹ bảo hiểm xã hội
Chương này gồm 11 điều (từ Điều 82 đến Điều 92), quy định về: Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội; các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động; mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; chí phí quản lý bảo hiểm xã hội; nguyên tắc đầu tư; các hình thức đầu tư.

6. Chương VI. Tổ chức, quản lý bảo hiểm xã hội
Chương này gồm 03 điều (từ Điều 93 đến Điều 95), quy định về: Cơ quan bảo hiểm xã hội; hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

7. Chương VII. Trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội
Chương này gồm 22 điều (từ Điều 96 đến Điều 117), bao gồm 02 mục:
- Mục 1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội (từ Điều 96 đến Điều 99) quy định về: Sổ bảo hiểm xã hội; hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội; điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội; giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội.
- Mục 2. Trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội (từ Điều 100 đến Điều 117) quy định về: Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau; hồ sơ hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản; hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động; hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp; giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hồ sơ hưởng lương hưu; hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần; giải quyết hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần; hồ sơ hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; hồ sơ hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp và người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về; giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về; chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định; hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

8. Chương VIII. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội
Chương này gồm 05 điều (từ Điều 118 đến Điều 122), quy định về: Khiếu nại về bảo hiểm xã hội; trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội; tố cáo, giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

9. Chương IX. Điều khoản thi hành
Chương này gồm 03 điều (từ Điều 123 đến Điều 125), quy định về: Quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; quy định chi tiết.

Việc ra đời của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội. Việc sửa đổi một số điều khoản trong Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng tham gia, quyền về an sinh xã hội của người dân, bổ sung một số chế độ phù hợp… hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi của người lao động ngày một tốt hơn. Trong bài viết lần sau, Trang Thông tin điện tử Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đăng tải một số nội dung liên quan đến các điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)./.